1. Liên Hợp Quốc ngày 17/10 cảnh báo cuộc tổng tấn công của các lực lượng Chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul từ Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo đã phải lên kế hoạch chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn tháo chạy khỏi các cuộc giao tranh ở Mosul. 

khoi_1_mkvk_ddud.jpg
Liên quân tấn công vào những vị trí khủng bố ở khu vực Bertela, Mosul. Ảnh rocket được phóng tới vị trí được cho là nơi trú ẩn của IS ở Bertela (ảnh: CNN).

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, có tới 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Do đó, các nhu cầu thiết yếu như lương thực, nước uống, quần áo và nơi trú ẩn sẽ rất lớn. 

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Iraq, Lise Grande nêu rõ, các tổ chức nhân đạo đang khẩn trương hỗ trợ người dân Iraq nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của họ. Tuy nhiên, trong kịch bản xấu nhất, Liên Hợp Quốc dự kiến một hoạt động cứu trợ nhân đạo quy mô lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới trong năm 2016. 

Cùng ngày, tướng Stephen J. Townsend của Mỹ tại Iraq cho biết, Mỹ sẽ ủng hộ chiến dịch phản công của quân đội Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul. Tuy nhiên, ông Stephen J. Townsend cũng nhấn mạnh: tất cả các lực lượng chiến đấu đều phải là lực lượng của Iraq.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Iraq, nhấn mạnh rằng Mỹ và liên minh quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng an ninh Iraq và người dân nước này trong cuộc chiến khó khăn phía trước. Theo ông Carter, chiến dịch giải phóng Mosul là “chìa khóa” để đánh bại lực lượng IS. 

Tuyên bố của giới chức Mỹ đưa ra chỉ ít giờ sau khi Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Iraq Haider al-Abadi ngày 17/10 thông báo chính thức bắt đầu các chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul. 

2. Liên minh châu Âu (EU) có nên gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga hay không là một vấn đề đang gây chia rẽ giữa các thành viên khối này trước thềm Hội nghị cấp cao khối này diễn ra vào ngày 20/10 tới đây.

Anh và Pháp ngày 17/10 đã lên tiếng hối thúc Liên minh châu Âu chỉ trích chiến dịch không kích của Nga tại Syria cũng như áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. 

EU chia rẽ vì vấn đề trừng phạt Nga. (ảnh: ITN).

Tuy nhiên, các đề xuất trừng phạt Nga đang vấp phải sự phản đối của không ít nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Hungary. Áo, một điểm trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu cũng đã lên tiếng phản đối các đề xuất này. Theo Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz, ý tưởng gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga là một sai lầm.

Theo kế hoạch, Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về quan hệ với Nga và các biện pháp trừng phạt Nga trong cuộc họp cấp cao diễn ra vào ngày 20/10 tới tại Luxembourg.

4. Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/10 cho biết, Nga và quân chính phủ Syria sẽ dừng các vụ tấn công nhằm vào Aleppo trong vòng 8 tiếng từ ngày 20/10. Lực lượng quân đội Nga và quân chính phủ Syria ngừng không kích để người dân và lực lượng phiến quân có thể rời thành phố này. 

Một góc Aleppo trở thành đống đổ nát sau cuộc giao tranh. (ảnh: AFP).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Sergei Rudskoy nêu rõ: "Trong khoảng thời gian từ 8h sáng giờ địa phương ngày 20/10 (tức 12 giờ trưa – giờ Việt Nam) đến 16h chiều giờ địa phương (tức 20h tối – giờ Việt Nam), lệnh ngừng bắn nhân đạo này sẽ được thực thi tại Aleppo". 

Ông Sergei Rudskoy cho biết thêm: "Trong khoảng thời gian trên, các lực lượng không quân của Nga và của Chính phủ Syria sẽ dừng tất cả các hoạt động không kích và tấn công khác".

Tuyên bố trên của Nga ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ dư luận quốc tế. Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã hoan nghênh lệnh ngừng bắn của Nga ở Aleppo. Ngày 17/10, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng việc Nga tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 8 giờ tại thành phố Aleppo của Syria là “tích cực”.  

5. Ngày 18/10, Tổng thống Philippines Duterte bắt đầu chuyến thăm chính đầu tiên tới Trung Quốc. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ Philippines -Trung Quốc sau thời gian dài căng thẳng. 

Tổng thống Duterte phát biểu trước quân đội Philippines ngày 4/10/2016. (Ảnh: Reuters).

Phát biểu trước khi lên đường sang Trung Quốc, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, chuyến thăm nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau thời gian dài căng thẳng. Ông Duterte bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ thương mại vững chắc với Trung Quốc, mong muốn thu hút nhiều đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các khu công nghiệp tại Philippines.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Duterte cho biết, sẽ đề cập vấn đề này trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 vừa qua. Tổng thống Duterte khẳng định sẽ kiên quyết bảo về chủ quyền lãnh thổ và không có chuyện thỏa hiệp trong vấn đề này. 

6.  Tại bang Georgia, ngày 18/10, các cử tri đã đi bỏ phiếu sớm để lựa chọn ra Tổng thống Mỹ phù hợp trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Nhiều người xếp hàng dài phía ngoài các điểm bỏ phiếu để được bỏ lá phiếu của mình cho ứng cử viên mà mình ưa thích. 

Các cử tri Georgia lựa chọn ra vị Tổng thống Mỹ phù hợp. (ảnh: AJC.com).

Cuộc bỏ phiếu của bang Georgia diễn ra chỉ 1 ngày trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 và cũng là cuối cùng, dự kiến diễn ra ngày 19/10 giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa.

Kết quả thăm dò dư luận trước cuộc tranh luận được công bố ngày 17/10 cho thấy bà Clinton đã nới rộng khoảng cách với đối thủ của Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump, lên tới 12%. Các kết quả thăm dò sau phiên tranh luận đầu tiên và thứ 2 đều cho thấy bà Clinton đều duy trì thế dẫn trước./.