1.Truyền thông cho biết, có 6 quả bom phát nổ. Vài giờ sau khicuộc tấn côngbắt đầu, các nhân chứng nghe thấy tiếng súng nổ và thêm một vụ nổ nữa.
Cảnh sát Indonesia chiếm lĩnh vị trí và ngắm bắn bên ngoài một quán cafe sau loạt vụ nổ. Ảnh: AFP |
Một vụ diễn ra ở quán cafe Starbucks – các lực lượng an ninh sau đó đã xông vào tòa nhà của quán này.
Một phóng viên ảnh của Reuters nói: “Tôi thấy 3 người chết nằm trên đường. Có một khoảng lặng giữa lúc đấu súng nhưng vẫn có kẻ nào đó trên mái tòa nhà và cảnh sát đang ngắm bắn y.”
Kênh truyền hình MetroTV đưa tin: Cảnh sát nghi ngờ một trong các vụ nổ là do một kẻ đánh bom liều chết thực hiện, và có tới 14 tay súng chiến binh tham gia vào vụ tấn công này.
Hàng trăm nhân viên an ninh được triển khai cùng với một xe bọc thép và lính bắn tỉa. Một đơn vị xử lý bom mìn đã đi vào khu Starbucks.
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia trước đó đã mở một cuộc trấn áp nhằm vào các phần tử có dính líu đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Phát ngôn viên cảnh sát Indonesia - Anton Charliyan nói với phóng viên: “Chúng tôi trước đó nhận được một đe dọa từ phía nhóm IS rằng Indonesia sẽ là một trọng điểm [của chúng]”.
Hình ảnh Jakarta rung chuyển vì nổ lớn liên hoàn và đấu súng
2.Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/1 cho biết, đã tiêu diệt được 8 kẻ tấn công khủng bố thực hiện vụ đánh bom vào trụ sở cảnh sát tỉnh Diyarbakir ngày 13/1.
Nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ Hurriyet cho biết, những kẻ tấn công đã cho phát nổ một chiếc xe có chứa bom gần trụ sở cảnh sát rồi sau đó “phóng rocket và nổ súng vào bên trong tòa nhà”. Vụ nổ bom đã khiến tòa nhà trụ sở cảnh sát bốc cháy dữ dội, nhiều bức tường bên trong tòa nhà đã đổ sập.
Trụ sở cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hư hỏng nặng sau vụ tấn công. Ảnh RT |
Cũng theo tờ báo này, vụ tấn công khủng bố cũng khiển ít nhất 5 người, trong đó có 1 đứa trẻ sơ sinh thiệt mạng và 39 người khác bị thương.
Những người này chủ yếu bị kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà. Nhiều xe cứu thương cùng các nhân viên y tế đã được điều động đến hiện trường để hỗ trợ những người bị thương.
Ngoài vụ tấn công trụ sở cảnh sát tỉnh Diyarbakir, những kẻ tấn công mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng tiến hành các vụ tấn công khác ở thị trấn Bismil, Cizre, Mardin, Silopi, Sirnak và Van.
Thổ Nhĩ Kỳ: Trụ sở cảnh sát bị tấn công, hơn 30 người thương vong
3.Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ngày 13/1 khẳng định, việc thử thành công bom H cho thấy nước này hoàn toàn có thể “quét sạch” nước Mỹ.
AP cho biết, quan chức Triều Tiên nhấn mạnh vụ thử bom H ngày 6/1 không hề nhằm “đe dọa” hay “khiêu khích” bất kỳ nước nào mà chỉ nhằm xây dựng một lực lượng hạt nhân đủ mạnh để “đối phó với các chính sách thù địch ngày càng công khai của Mỹ nhằm vào Triều Tiên”.
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ thử bom H của Triều Tiên. Ảnh AP |
Cũng theo quan chức này, các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên “rất phấn khích sau vụ thử bom H- quả bom mà theo họ đủ khả năng“quét sạch” lãnh thổ Mỹ trong nháy mắtvì những động thái cứng rắn chống lại Triều Tiên”.
Triều Tiên cho rằng, điều này cho thấy “sức mạnh khủng khiếp của bom H”, dù Mỹ và nhiều nước bày tỏ nghi ngờ về việc Bình Nhưỡng thực sự đủ khả năng thử bom H.
4. Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla ngày 13/1 cho biết, Philippines đã đề xuất để Mỹ sử dụng 8 căn cứ, qua đó Washington có thể sử dụng các cơ sở này làm kho trang thiết bị và quân nhu dựa trên Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa hai nước.
Hình ảnh vệ tinh một bãi đá bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh CSIS/AMTI |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng leo thang.
Trong số 8 căn cứ nói trên có sân bay Clark từng là căn cứ của không quân nằm trên đảo Luzon và 2 cơ sở nằm trên đảo Palawan gần Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận 3 hải cảng và sân bay dân sự ở Luzon.
Các động thái “xích lại gần hơn” với Mỹ của Philippines được tiến hành trong bối cảnh tình hình Biển Đông đã và đang có nhiều biến động theo chiều hướng căng thẳng xuất phát từ các hành động đơn phương của Trung Quốc, mới nhất là việc triển khai các chuyến bay phi pháp đến khu vực các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không nên gây hấn trên Biển Hoa Đông
5.Mộtnhóm đặc nhiệm mớicủa Mỹ đã đến Iraq để hợp tác với lực lượng an ninh nước này trong cuộc chiến chống IS.
Theo Reuters, thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đưa ra ngày 13/1 tại Fort Campbell ở Kentucky.
“Nhóm đặc nhiệm mà tôi từng đề cập đến hồi tháng 12/2015 đã có mặt tại Iraq và chuẩn bị làm việc với lực lượng an ninh nước này để bắt đầu chiến dịch tiêu diệt phiến quân IS và chỉ huy của chúng” ông Carter nói và cho biết, lực lượng đặc nhiệm mới sẽ bao gồm 200 binh sĩ.
Các binh sĩ đặc nhiệm Mỹ đang hiện diện tại Iraq. Ảnh AP |
Ông Carter cho biết, nhóm 50 binh sĩ ở Syria đã thiết lập được liên lạc với phe đối lập ôn hòa ở Syria nhằm tiến hành các cuộc không kích và tấn công vào IS.
“Các chiến dịch không kích và tấn công này đã giúp phe đối lập ôn hòa tại Syria tập trung đánh vào những điểm yếu của IS, bao gồm mạng lưới liên lạc của chúng”, ông Carter nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Cater cũng nhấn mạnh những bước tiến mà lực lượng an ninh Iraq đã đạt được, bao gồm việc chiếm lại thành phố chiến lược Ramadi từ tay IS.
Ông Carter khẳng định, Mỹ vẫn đang tập trung hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq chiếm lại thành phố Mosul và hỗ trợ phe đối lập ôn hòa ở Syria chiếm lại thủ phủ của IS ở Raqqa.
6. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình Ukraine và Syria.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm này, ông Obama nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để đi đến một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine và giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) điện đàm với người đồng cấp Nga Putin. Ảnh Reuters |
Theo Tổng thống Mỹ, bước quan trọng tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine là tất cả các bên nhất trí về phương thức tiến hành bầu cử địa phương ở vùng Donbass.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cũng đã lưu ý đến sự cần thiết phải có những động thái thúc đẩy đại diện chính phủ và phe đối lập Syria có những cuộc thảo luận hữu ích dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để giảm tình trạng bạo lực và giải quyết những vấn đề nhân đạo khẩn cấp cho người dân tại quốc gia Trung Đông này.
Hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của một phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết của cộng đồng quốc tế trước vụ thử tên lửa hạt nhân thứ tư của Triều Tiên hồi đầu tháng này.
Theo thông báo của điện Kremlin, cũng trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Nga đã bày tỏ sự ủng hộ người đồng cấp Mỹ đối với việc làm dịu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, 2 nước là đồng minh của mỗi bên tại bán đảo Arab.