1, Theo thông cáo của Viện Công tố liên bang Pháp, 2 trong số những kẻ tấn công ở Paris đêm 13/11 đến từ Bỉ và sống tại quận Brussels và Molenbeek-Saint-Jean. Tuyên bố này được đưa ra trong khi cảnh sát Bỉ tiếp tục chiến dịch lục soát tối 14/11 tại quận Brussels. 

Một kẻ tình nghi bị bắt ở Bỉ. (ảnh: DM).

Các cuộc lục soát đã được tiến hành tại quận Molenbeek với việc bắt giữ 7 người. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xem xét sự liên quan của những đối tượng này tới vụ việc.

Cùng với việc lục soát, Bỉ phát lệnh truy nã quốc tế đối với một kẻ tình nghi đã cùng với hai anh em của mình tham gia loạt vụ tấn công tối 13/11 tại thủ đô Paris của Pháp làm ít nhất 129 người thiệt mạng.

Ngày 15/11, các nhà chức trách Pháp tuyên bố các cuộc tấn công ở Paris đã được chuẩn bị ở nước ngoài, đặc biệt là tại Bỉ.

Chính vì thế, các nhà chức trách Pháp và Bỉ đã có cuộc gặp gỡ để thống nhất kế hoạch hành động cùng nhau nhằm triệt phá các mạng lưới khủng bố, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của 2 nước như cảnh sát và tư pháp.

2, Ngày 16/11, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, cảnh sát Pháp đã tiến hành hơn 150 cuộc khám xét và bắt giữ hàng chục kẻ tình nghi gây ra vụ khủng bố ở Paris. 

1004702_ajsq.jpg
Thủ tướng Pháp Manuel Valls. (ảnh: AFP).

Cảnh sát Pháp nói, các cuộc khám xét được tiến hành bất ngờ vào lúc rạng sáng 16/11 tại khắp các thành phố trên toàn nước Pháp.

Khoảng 13 cuộc khám xét đã diễn ra ở thành phố Lyon và cảnh sát tại đây đã bắt giữ 5 kẻ tình nghi cùng kho vũ khí của chúng, bao gồm một bệ phóng rocket, một khẩu AK, áo giáp chống đạn, súng ngắn và các trang thiết bị quân sự khác.

Tại Toulouse, cảnh sát cũng đã bắt giữ 3 kẻ tình nghi. Trong khi đó, tại thành phố Grenboble, hàng chục kẻ tình nghi đã bị bắt và thu giữ rất nhiều súng và tiền.

3,  Ngày 15/11, Pháp kêu gọi tổ chức Hội nghị an ninh “khẩn cấp” để bàn về các biện pháp an ninh tăng cường tại các quốc gia thành viên EU. 

Pháp kêu gọi Hội nghị an ninh “khẩn cấp” ở EU sau đêm khủng bố đẫm máu. (ảnh: AP).

Lời kêu gọi này được đưa ra ngay sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris, Pháp vào đêm 13/11 vừa qua – khiến hơn 129 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve, nhấn mạnh, các nước châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi. 

Trong cuộc điện đàm tối cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhất trí 2 nước tăng cường chống IS.

Hai nước nhất trí sẽ có những bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến đánh bại IS

4, Theo AP, tình báo Iraq đã biết trước và thông báo cho Pháp về lệnh của thủ lĩnh IS cho mở một chiến dịch tấn công quốc tế vào liên minh chống IS. 

Chú thích ảnhCảnh sát Pháp tuần tra ở Paris vào ngày 15/11. Ảnh: AP.

Các quan chức tình báo Iraq đã cảnh báo các nước thành viên của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu về khả năng xảy ra loạt tấn công khủng bố đẫm máu, đúng một ngày trước khi sự việc bi thảm đó xảy ra thực sự ở Paris khiến ít nhất 129 người thiệt mạng.

Tình báo Iraq đã gửi công văn cho biết thủ lĩnh nhóm khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi đã hạ lệnh mở một cuộc tấn công vào các nước trong liên minh nói trên cũng như vào cả Iran và Nga.

Văn bản mà tình báo Iraq gửi có nói rằng phía Iraq không có chi tiết cụ thể về thời điểm và địa điểm vụ tấn công có thể xảy ra. Một quan chức an ninh cao cấp của Pháp nói với AP rằng tình báo Pháp thu nhận dạng liên lạc này (từ phía Iraq) “mọi lúc” và “mọi ngày”.

5, Ngày 15/11, Hội nghị cấp cao G20 đã khai mạc ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, 2 ngày sau vụ khủng bố kinh hoàng ở nước Pháp. 

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị cấp cao G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. (ảnh: AFP).

Chương trình nghị sự của cuộc gặp năm nay được dự báo là khá dày đặc với một loạt vấn đề quốc tế gây căng thẳng hiện nay như cuộc khủng hoảng Syria, cuộc khủng hoảng nhập cư, vấn đề khí hậu và đặc biệt là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. 

Hội nghị cấp cao G20 diễn ra 2 ngày sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào nước  Pháp, lãnh đạo các nền kinh tế giàu nhất thế giới còn có thêm một trọng trách nữa là xây dựng một mặt trận chung chống lại nỗi khiếp sợ mà chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang gieo rắc, dù vẫn còn bất đồng trong nhiều hồ sơ quốc tế. 

6, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc thông báo vào hôm 15/11 rằng Triều Tiên đã tuyên bố thiết lập vùng cấm tàu bè đi lại ngoài khơi bờ biển phía đông. Đây có thể là một dấu hiệu nước này đang chuẩn bị một đợt phóng tên lửa. 

Một lần phóng tên lửa của hải quân Triều Tiên. Ảnh: Al Jazeera.

Yonhap dẫn một nguồn tin giấu tên của chính phủ cho biết, Triều Tiên đưa ra cảnh báo cấm mọi hoạt động của tàu bè từ ngày 11/11 đến 7/12 ngoài khơi bờ biển miền trung của Triều Tiên.

Nguồn tin của Yonhap nói: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao liệu Triều Tiên sẽ phóng tên lửa Scud hay mẫu tên lửa đạn đạo mới bởi lẽ khu vực cấm tàu bè là khá rộng”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận liệu lệnh cấm tàu bè có được ban ra hay không. Triều Tiên trước đó từng tuyên bố cấm tàu bè rồi không phóng quả tên lửa nào cả./.