1.Triều Tiên ngày 11/2 thông báo biến Kaesong thành một khu vực quân sự, trong khi, Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả của quyết định này.          

han_quoc_ohjb.jpg
Đoàn xe chở công nhân Hàn Quốc rời khu công nghiệp chung Kaesong trong đêm 11/2. Ảnh Reuters
Ngày 12/2, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-Pyo tuyên bố, Triều Tiên đã “phạm pháp” khi quyết địnhphong tỏa tài sảncủa các công ty Hàn Quốc và trục xuất toàn bộ người Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp chung Kaesong. Phía Hàn Quốc lấy làm tiếc trước quyết định của Triều Tiên.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh: “Triều Tiên đã trục xuất công dân Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong trong một khoảng thời gian ngắn và không cho phép họ mang tài sản. Đây là hành động phong tỏa bất hợp pháp. Hành động của Triều Tiên là “rất đáng tiếc” và chúng tôi khẳng định rằng Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi việc”.

Trước đó, Hàn Quốc ngày 10/2 thông báo ngừng “hoàn toàn” các hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong và một ngày sau đó bắt đầu đưa công dân khỏi khu công nghiệp chung đóng tại thành phố biên giới cùng tên bên phần lãnh thổ của Triều Tiên này. 

2.Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 12/2 cảnh báo nếu các nước Arab can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, họ có thể gây ra một “Thế chiến mới”.

Đáp lại đề xuất của một số nước Arab muốn tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria dưới sự điều phối của Mỹ, ông Medvedev nhấn mạnh: “Điều này có thể là rất tồi tệ bởi các cuộc chiến trên bộ thường dẫn tới việc chiến tranh sẽ kéo dài liên miên.

Thủ tướng Nga Medvedev. Ảnh Sputnik

Mỹ và các đối tác Arab cần phải suy tính thật kỹ về việc liệu họ có muốn chiến tranh xảy ra liên miên hay không? Liệu họ có thực sự nghĩ rằng họ có thể đánh nhanh thắng nhanh không?

Điều này là không thể xảy ra đặc biệt là trong thế giới Arab, nơi mọi người chiến đấu chống lại nhau, mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ phức tạp và cuộc chiến này có thể sẽ kéo dài vài năm, thậm chí vài thập kỷ.

Tại sao họ lại muốn can thiệp vào việc này? Lẽ ra tất cả các bên phải ngồi vào bàn đàm phán thay vì tìm cách làm bùng nổ một Thế chiến mới”.

3.Ngày 12/2, các bên tham gia cuộcđối thoại về Syriathông báo đã nhất trí ngừng các hành động thù địch tại Syria sẽ bắt đầu trong vòng 1 tuần.

Đây được đánh giá là bước đi ban đầu trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria, tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại quốc gia Trung Đông này.     

Quang cảnh cuộc đối thoại về tình hình Syria tại Munich. Ảnh AP
Tại thành phố Munich của Đức đã diễn ra các cuộc thảo luận gấp rút và những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa Mỹ, Nga và hơn 10 nước khác, với kết quả là “lệnh chấm dứt hành động thù địch” tại Syria.

Các nước đều khẳng định cam kết của mình về một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria, quốc gia đã bước sang năm thứ 5 nội chiến.Theo đó, các bên cũng nhất trí rằng những điều kiện an ninh và nhân đạo tại Syria phải được cải thiện.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura sau những nỗ lực ngoại giao con thoi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Tôi vui mừng thông báo rằng, tại Munich, chúng ta đạt được bước tiến trên cả mặt trận nhân đạo và cả chấm dứt các hành động thù địch tại Syria.

Trên 2 mặt trận này, bước tiến mà chúng ta đạt được là bước tiến tiềm năng và phải được thực thi đầy đủ, để thông qua đó chúng ta có thể mang đến sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân Syria”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, cộng đồng thế giới và tất cả các bên liên quan tại Syria đang tiếp tục làm việc thể thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry thừa nhận rằng các cam kết mới chỉ ở trên giấy tờ.

4.Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Recep Tayyip Erdogan ngày 12/2 cảnh báo sẽ để hàng triệu người tị nạn đang ở nước này tới các nước EU.

Thổ Nhĩ Kì là cửa ngõ chính để những người di cư và tị nạn đến châu Âu. Các nước châu Âu gần đây muốn Thổ Nhĩ Kì đưa ra các biện pháp để ngăn dòng người tị nạn đến châu Âu.

Đám đông người nhập cư tại khu vực biên giới Hungary. Ảnh AFP
Tuy nhiên, trong một tuyên bố thể hiện rõ sự chỉ trích đối với chính sách của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn, ông Erdogan xác nhận đã đưa ra cảnh báo với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 năm ngoái rằng nước này có thể để hàng triệu người tị nạn tới châu Âu.

Ông Erdogan khẳng định: “Thổ Nhĩ Kì sẽ làm mọi điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên những người đã đưa cho chúng tôi lời khuyên cũng nên đưa lời khuyên cho những nước khác rằng chúng tôi có thể để những người tị nạn đến chính quốc gia của các bạn.

Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kì đã đưa ra biện pháp dừng những người tị nạn tại cửa ngõ tới châu Âu, nhưng sau đó chúng tôi lại mở cổng và mong họ có một chuyến hành trình an toàn".

5.Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir ngày 11/2 đã chính thức bổ nhiệm thủ lĩnh nổi dậy Riek Macharr làm Phó Tổng thống.

Theo sắc lệnh được Tổng thống Nam Sudan Kiir công bố tối 11/2, ông Machar sẽ trở thành Phó Tổng thống thứ nhất của nước Cộng hòa Nam Sudan. Việc bổ nhiệm này vốn đã được nhất trí như một phần của thỏa thuận hòa bình hồi tháng 8/2015.

Ông Riek Machar (giữa) một lần nữa trở thành Phó Tổng thống của Nam Sudan. Ảnh AFP
Ông Machar trước đó đã từng làm Phó Tổng thống của Nam Sudan từ năm 2005 cho tới khi ông bị cách chức vào năm 2013 và hiện ông này vẫn chưa trở lại thủ đô Juba.

Hoan nghênh sắc lệnh trên, ông Machar cho rằng đây là một bước đi hướng tới viẹc thực thi thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào ông Machar mới trở về thủ đô Juba để nhậm chức.

Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Tổng thống Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Machar bị Tổng thống Kiir cáo buộc âm mưu đảo chính.

Tháng 8 năm ngoái, hai bên đã ký thỏa thuận hòa bình với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận./.