Đây được đánh giá là bước đi ban đầu trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria, tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tại quốc gia Trung Đông này.     

john_kerry_dwbe.jpg
Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo sau cuộc thảo luận tại Munich, Đức. Ảnh AP
Tại thành phố Munich của Đức đã diễn ra các cuộc thảo luận gấp rút và những nỗ lực ngoại giao con thoi giữa Mỹ, Nga và hơn 10 nước khác, với kết quả là “lệnh chấm dứt hành động thù địch” tại Syria. Các nước đều khẳng định cam kết của mình về một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria, quốc gia đã bước sang năm thứ 5 nội chiến.Theo đó, các bên cũng nhất trí rằng những điều kiện an ninh và nhân đạo tại Syria phải được cải thiện.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura sau những nỗ lực ngoại giao con thoi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Tôi vui mừng thông báo rằng, tại Munich, chúng ta đạt được bước tiến trên cả mặt trận nhân đạo và cả chấm dứt các hành động thù địch tại Syria.

Trên 2 mặt trận này, bước tiến mà chúng ta đạt được là bước tiến tiềm năng và phải được thực thi đầy đủ, để thông qua đó chúng ta có thể mang đến sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân Syria”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, cộng đồng thế giới và tất cả các bên liên quan tại Syria đang tiếp tục làm việc thể thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry thừa nhận rằng các cam kết mới chỉ ở trên giấy tờ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh ngừng bắn ở Syria là bước tiến quan trọng nhằm khởi động đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Nga sẽ không chấm dứt các cuộc không kích tại Syria, nhấn mạnh lệnh ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Mặt trận al-Nusra.

Cùng quan điểm với người đồng cấp Mỹ, ông Lavrov khẳng định cuộc đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva Thụy Sĩ, cần được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể với sự tham gia của tất cả các nhóm đối lập Syria.

“Tôi muốn nhấn mạnh tới nhiệm vụ khôi phục bàn đàm phán hòa bình Syria, vốn bị đình trệ khi một số nhóm đối lập giữ lập trường không xây dựng và cố gắng đặt ra điều kiện tiên quyết cho đàm phán.

Hòa đàm Syria phải được khôi phục sớm nhất có thể và tuân thủ chặt chẽ nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc về việc không đặt điều kiện tiên quyết. Các cuộc hòa đàm cũng phải bao gồm nhiều lực lượng đối lập tại Syria”.

Vòng đàm phán hòa bình Syria mới nhất diễn ra ở Geneva đầu tháng này đã lâm vào bế tắc khi cả hai phe chính phủ và lực lượng đối lập Syria không chấp nhận nhượng bộ. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria de Mistura phải tuyên bố hoãn vòng đàm phán tới ngày 25/2 tới.

Trước đó, trong ngày 11/2, “Nhóm Quốc tế Ủng hộ Syria” trong cuộc họp ở Munich đã nhất trí thực thi một lệnh ngừng bắn, tạm dừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria.

Ngoài ra, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo tại nước này, đồng thời coi đây là ưu tiên hành động hàng đầu trong thời gian tới.

Cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Nga đã hối thúc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu hợp tác với quân đội Nga tại Syria, bởi cả hai đều có “chung một kẻ thù”./.