1.Tòa án Tối cao Campuchia được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nói trên cho biết, thẩm phán xác định các thủ lĩnh Nuon Chea “Anh Hai” 90 tuổi và cựu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước “Campuchia Dân chủ” Khieu Samphan, 85 tuổi phạm các tội ác chống lại loài người, tội sát nhân, đàn áp dựa trên lý lịch chính trị và các hành vi vô nhân đạo khác trong thời kỳ chúng ép người dân rời khỏi thủ đô Phnom Penh sau khi quân Khmer Đỏ chiếm được thành phố này vào năm 1975.

samphan_chea_dzcb.jpg
Khieu Samphan (trái) và Noun Che. Ảnh: Reuters

Thẩm phán Kong Srim phát biểu vào hôm 23/11: “Tòa án Tối cao [vụ xử Khmer Đỏ] xác nhận mức án chung thân cho cả Nuon Chea và Khieu Samphan... Tòa lệnh cho hai người này phải tiếp tục ở trong tù”.

Đợt xét xử vào năm 2000 đưa ra mức án chung thân cho bị cáo Kaing Guek Eav (biệt danh là “Duch”) - kẻ đứng đầu nhà tù Tuol Sleng khét tiếng, nơi 14.000 người bị tra tấn và hành quyết.

Nuon Chea và Khieu Samphan đều có mặt tại tòa để nghe phán quyết mới. Hai kẻ này này đối mặt với các cáo buộc khác nhau về tội diệt chủng trong giai đoạn thứ hai của quá trình xét xử phức tạp đang diễn ra.

2. Một công tố viên đặc biệt sẽ đảm trách cuộc điều tra độc lập về vai trò của Tổng thống Park Geun-hye vào đầu tháng 12 tới.

Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: AP

Trước đó, ngày 17/11, Quốc hội Hàn Quốc đã họp phiên toàn thể, thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối liên quan tới người bạn thân tín lâu năm của bà Park Geun-hye là bà Choi Soon-sil, với cáo buộc nhân vật này thâu tóm quyền điều hành quốc gia.

Dự luật này đã được thông qua tại Quốc hội với tổng cộng 196 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 14 phiếu trắng. Hai đảng đối lập chính là đảng Dân chủ và Đảng Nhân dân được quyền tiến cử hai ứng cử viên, trong khi đó, Tổng thống Park Geun-hye được quyền bổ nhiệm một người làm công tố viên đặc biệt.

Nhóm điều tra đặc biệt sẽ bao gồm một công tố viên độc lập, 20 công tố viên từ văn phòng công tố Hàn Quốc và 40 nhân viên điều tra đặc biệt. Nhóm này sẽ chuẩn bị cho một cuộc điều tra trong 20 ngày tính từ ngày công tố viên độc lập được chỉ định.

Sau đó, trong 70 ngày tiếp theo, nhóm này sẽ thông báo các thông tin liên quan tới cuộc điều tra, quyết định liệu có đưa ra các bản cáo trạng hay không. Nhóm này có thể tiếp tục kéo dài cuộc điều tra thêm 30 ngày nếu được sự phê chuẩn của Tổng thống.

3. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook ngày 22/11 cho biết, Abu Afghanistan al-Masri - một công dân Ai Cập - đã bị tiêu diệt tại một địa điểm gần Sarmada, tỉnh Idlib, Syria hôm 18/11 vừa qua.

Theo ông Cook, ban đầu al-Masri đầu quân cho tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Afghanistan. Sau đó tên này chuyển đến hoạt động tại chi nhánh của al-Qeada ở Syria.

Tên Abu Afghanistan al-Masri. Ảnh: Reuters

"Tên này có quan hệ với các nhóm khủng bố đang hoạt động ở khu vực Tây Nam Á, trong đó có những nhóm phải chịu trách nhiệm về việc tấn công các lực lượng Mỹ và liên quân ở Afghanistan và những âm mưu tấn công phương Tây", ông Peter Cook cho biết.

Al-Masri là một thẩm phán tôn giáo của Jabhat al-Fateh Sham - một nhóm vũ trang với tên gọi trước đây là al-Nusra Front. Nhóm này đã tuyên bố tách khỏi al-Qaeda hồi đầu năm nay. 

Đây là vụ không kích mới nhất nằm trong chương trình của Mỹ nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố tại Syria và Iraq. Hồi đầu tháng này Lầu Năm Góc cho biết, ngày 17/10, Mỹ đã tiêu diệt Haydar Kirkan - một thành viên của al-Qaeda từng là người thân cận với trùm khủng bố Osama bin Laden.

4.Tổng thống mới đắc cử Trump nên thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc sở hữu khối tài sản khổng lồ của ông không vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Theo Sputnik, tuyên bố trên được Thượng Nghị sĩ Ben Cardin, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đưa ra trong cuộc họp báo ngày 22/11. Theo ông Cardin, ông Trump cần phải rất thận trọng trong các thương vụ làm ăn với các tổ chức nước ngoài để tránh bị coi là vi phạm pháp luật Mỹ.

Ông Cardin nhấn mạnh, trong ngày 23/11, ông sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Quốc hội Mỹ, theo đó yêu cầu Tổng thống mới đắc cử Trump chuyển khối tài sản khổng lồ của ông vào các công ty hoạt động phi lợi nhuận hoặc các quỹ ủy thác mà người được ủy thác có toàn quyền với tài sản của người gửi hoặc bất kỳ biện pháp nào khác để đảm bảo rằng, việc sở hữu khối tài sản của ông Trump là tuân thủ Quy định về Thù lao ngoài Lương chính của Hiến pháp Mỹ.

Nếu không, theo ông Cardin, Quốc hội Mỹ sẽ coi các thương vụ giữa doanh nghiệp do ông Trump làm chủ với các cơ quan chính phủ nước ngoài là vi phạm Hiến pháp Mỹ, trong đó cấm Tổng thống nhận tiền từ nước ngoài.

5. Mỹ và Philippines đã nhất trí giảm quy mô các cuộc tập trận chung cũng như số binh sĩ Mỹ hiện diện tại Philippines.

Theo Reuters, tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla đưa ra ngày 23/11 sau cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Philippines cùng ngày.

Binh sĩ Mỹ-Philippines tham gia một cuộc tập trận chung. Ảnh Reuters

Dù vậy, Chuẩn tướng Padilla khẳng định, hai nước “vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực được coi là trọng tâm của cả hai bên như hỗ trợ nhân đạo, giải quyết thảm họa thiên tai, chống khủng bố cũng như an ninh hàng hải vì lợi ích về an ninh chung giữa 2 nước”.

Một tướng lĩnh khác của Philippines cho biết: “Hai bên sẽ tập trung nhiều hơn vào các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và các cuộc tập trận phi quân sự”. Cũng theo vị tướng này, quy mô binh sĩ Mỹ hiện diện tại Philippines sẽ giảm đi rất nhiều so với con số 5.000 binh sĩ từng tham gia các cuộc tập trận tại Philippines trong suốt 2 năm qua.

Vị tướng này còn nói thêm rằng, Bộ Quốc phòng Philippines đã ra lệnh cho quân đội giảm quy mô các cuộc tập trận chung với Mỹ và chấm dứt hoàn toàn các cuộc tập trận Hải quân cũng như các cuộc tập trận đổ bộ trên đất liền.

Cũng theo vị tướng nói trên, việc Mỹ điều quân đến đồn trú tại Philippines theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) sẽ vẫn tiếp diễn nhưng “chúng tôi sẽ xem xét giảm số lượng máy bay và binh sĩ Mỹ hiện diện tại các căn cứ ở Philippines”./.