Cái tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng một lần nữa lại tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế, với loạt vụ tấn công gây chấn động thế giới trong tuần vừa qua. Những thất bại liên tiếp của IS tại Syria hay Iraq gần đây đã khiến nhiều người liên tưởng đến cái kết của nhóm khủng bố này.

barcelona_attack_tjuk.jpg
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: SI.

Tuy nhiên, hàng loạt các vụ tấn công tại châu Âu gần đây, với sự gia tăng ảnh hưởng của nhóm này ở  Đông Nam Á hay khu vực Nam Á cho thấy IS vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người dân thế giới, đặc biệt là tại châu Âu.

IS đã lên tiếng nhận thực hiện vụ tấn công tại nhiều nước, trong đó có hai vụ tấn công liên tiếp tại Tây Ban Nha trong tuần qua làm chấn động châu Âu và thế giới. Hôm qua (19/8) nhóm này cũng tuyên bố  đứng sau vụ tấn công bằng dao xảy ra tại thành phố Surgut của Nga, khiến 8 người bị thương. 

Các vụ tấn công tại Paris, Brussels, Manchester cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Năm ngoái, châu Âu phải đối mặt với 47 vụ tấn công khủng bố, làm 142 người thiệt mạng và 379 người khác bị thương. Các cơ quan an ninh cũng phá vỡ hoặc vô hiệu hóa hơn 90 âm mưu tấn công khủng bố khác. Hầu hết các vụ tấn công này đều do các phần tử cực đoan Hồi giáo gây ra.

Ngay sau vụ tấn công tại Barcelona, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng thừa nhận, châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng: “Vấn đề hàng đầu của châu Âu hiện này đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta không thể thờ ơ khi hàng loạt các vụ tấn công xảy ra gần đây tại các thành phố như Paris, Nice, London, Berlin và thậm chí là Thụy Điển cách đây không lâu”.

Cùng với các cuộc tấn công là sự mở rộng ảnh hưởng của IS tại các khu vực khác như Đông Nam Á hay Afghanistan khiến nhiều quốc gia lo ngại, buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump  phải lựa chọn các chiến lược mới để đối phó với nhóm này trong khu vực.

Đây là một bức tranh trái ngược với hình ảnh của IS tại Trung Đông- cái nôi sinh ra nhóm khủng bố với chiến thắng được cả thế giới ca ngợi của quân đội Iraq trước IS tại Mosul hay những tuyên bố “IS đang trên bờ vực thất bại tại Syria”.

Theo các chuyên gia phân tích, đánh bại được IS tại Iraq và Syria sẽ chỉ loại bỏ được mối đe dọa về việc hình thành một Nhà nước khủng bố lớn mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, nhóm này đang gieo rắc tư tưởng tấn công cho hàng nghìn các tay súng nước ngoài và người dân địa phương nhằm vào các nước phương Tây.

Vì vậy,  theo giới phân tích, ít nhất là trong ngắn hạn, các vụ tấn công  khủng bố tại châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng, với việc IS sẽ lựa chọn chiến lược đơn giản hơn như sử dụng một chiếc xe tải hay ô tô thay vì lên kế hoạch kĩ lưỡng như các vụ đánh bom tại Manchester.

Ngoài các địa điểm vốn được tăng cường an ninh như khu trung tâm thương mại, địa điểm du lịch nổi tiếng,  IS cũng sẽ nhằm mục tiêu vào những ngõ hẻm hay địa điểm có lực lượng an ninh mỏng.

Với mối đe dọa đối với châu Âu ngày càng gia tăng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng phải thừa nhận, châu Âu phải tự bảo vệ mình chứ không thể dựa vào sự hỗ trợ quốc phòng của Mỹ.

Ngay sau các vụ tấn công tại Barcelona, các nước châu Âu đã đưa ra hàng loạt chính sách an ninh để đối phó với các mối đe dọa khủng bố. Tây Ban Nha hiện đang duy trì cảnh báo chống khủng bố ở cấp độ 4 trên phạm vi toàn quốc, đồng thời tăng cường biện pháp an ninh tại các địa điểm công cộng, các sự kiện, địa danh du lịch nổi tiếng.  

Nguy cơ khủng bố tại Anh trong thời điểm hiện tại được đặt ở mức "nghiêm trọng" với 4 vụ tấn công khủng bố trong vòng 3 tháng qua. Bộ An ninh nội địa Anh cũng tiếp tục thúc đẩy chương trình chống khủng bố của chính phủ mang tên Prevent ( Ngăn ngừa).

Châu Âu cũng đang tìm giải pháp phòng ngừa hình thức tấn công đâm xe vào đám đông, như bảo vệ các tuyến đường chính đông người qua lại hay các sự kiện tụ tập đông người, sử dụng các khối bê tông, bao cát lớn hay các phương tiện vận tải lớn làm vật cản ngăn chặn xâm nhập./.