Cảnh sát Tây Ban Nha mới đây cho biết đã xác định thêm được danh tính các nghi phạm còn lẩn trốn, đồng thời phát hiện một nhóm khủng bố gồm khoảng một chục người từng âm mưu tiến hành vụ tấn công quy mô lớn tại Tây Ban Nha song đã thất bại.
Theo Người phát ngôn cảnh sát Catalan Josep Luis Trapero, có thể nhóm khủng bố đã tham gia vụ lao xe vào đám đông khách du lịch và người đi bộ ở Barcelona và sau đó là ở thị trấn Cambrills ở phía Nam Tây Ban Nha hôm 17/8 vừa qua.
Cảnh sát Tây Ban Nha đã công bố thêm danh tính 3 đối tượng tình nghi, đều là công dân Morocco, ở độ tuổi từ 17-24. Như vậy, tới thời điểm này, cảnh sát đã xác định có khoảng 12 nghi can trong loạt vụ tấn công, trong đó 5 kẻ đã bị tiêu diệt, 4 phần tử bị bắt giữ và 3 đối tượng xác định được danh tính nhưng đang lẩn trốn. Nhà chức trách cho rằng, 2 trong số 3 người này có khả năng đã tử vong trong vụ nổ đêm 16/8 tại ngôi nhà ở Alcanar, cách Barcelona khoảng 200 km về phía Nam.
Xảy ra chỉ vài giờ trước vụ lao xe vào đám đông ở Barcelona, vụ việc tại Alcanar ban đầu được cho là một vụ nổ khí gas, tuy nhiên cảnh sát đã chuyển hướng điều tra thành "các vụ tấn công được lên kế hoạch" sau khi phát hiện chất nổ tại ngôi nhà này.
Cơ quan chức năng cho rằng vụ nổ có liên quan tới loạt vụ tấn công ngày 17/8 và rằng những kẻ tấn công đã chuẩn bị chất nổ để tiến hành vụ tấn công quy mô lớn hơn, có thể là đánh bom xe. Tuy nhiên, số nguyên liệu mà nhóm này định dùng đã phát nổ và những đối tượng trên phải hành động theo "cách thô sơ hơn" so với dự định.Lộ diện nghi phạm 18 tuổi vụ tấn công khủng bố ở Barcelona
Hàng nghìn người Tây Ban Nha ngày 18/8 đã tập trung tại quảng trường chính ở Barcelona để tượng niệm các nạn nhân vụ tấn công. Sau một phút mặc niệm, dưới sự dẫn dắt của Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI và Thủ tướng Mariano Rajoy, những người tham gia đã hát vang bài hát “No tinc Por”, có nghĩa là “Tôi không sợ” theo tiếng Catalan.
“Thông điệp của chúng ta ngày hôm nay là dù bị sốc, dù đau thương, song chúng tôi muốn và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ sự hòa bình, khoan dung, dân chủ và nhân quyền” - Một người dân Tây Ban cho biết.
Là một trong những người có mặt ở đây từ rất sớm, anh Tarik Ata Rafi, một người theo đạo Hồi cho rằng: “Chúng ta cần lên án những hành vi như thế, cũng như có trách nhiệm phát đi thông điệp rằng, đạo Hồi, cũng như những giáo lý của đạo Hồi chân chính và kinh Quran không ủng bố bất kỳ hành động cực đoan nào của những người này. Và chúng ta cần thường xuyên lên án các hành vi bạo lực dù với bất kỳ lý do gì”.
Các vụ tấn công khủng bố hôm 17/8 được xem là nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha kể từ khi xảy ra các vụ đánh bom ở Madrid vào năm 2004 và là vụ tấn công mới nhất trong loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở châu Âu thời gian vừa qua.
Sau vụ tấn công, các nhà lãnh đạo thế giới đã ngay lập tức thể hiện tình đoàn kết sẵn sàng sát cánh bên người dân và chính phủ Tây Ban Nha.
Có mặt tại Barcelona từ ngày 18/8, ngay sau thông tin về vụ tấn công, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel một lần nữa khẳng định: “Cùng với Ngoại trưởng Pháp, tôi đã có mặt ở đây để thể hiện tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Tây Ban Nha. Như các bạn đã biết, Pháp và Đức cũng từng trải qua những cuộc tấn công như vậy. Chúng ta sẽ đứng bên nhau trong thời điểm khó khăn này. Không chỉ châu Âu, mà cùng với toàn thế giới, chúng ta không thể sợ hãi và không để những kẻ khủng bố, cực đoan làm chúng ta sợ hãi”.
Trong số những nạn nhân của 2 vụ tấn công có nhiều người nước ngoài. Đến nay Mỹ, Canada, Argentina, Bỉ và Bồ Đào Nha đều đã xác nhận có công dân bị thiệt mạng, Italy xác định có 2 công dân. Pháp là nước có nhiều công dân bị thương nhất trong các vụ tấn công. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, ít nhất 28 công dân Pháp bị thương, trong đó 8 người bị thương nặng. Đức cũng có 13 công dân bị thương trong vụ này. Ngoài ra còn có công dân các nước Venezuela, Cuba, Australia, Ireland, Trung Quốc, Hà Lan, Bỉ, Romania và Hy Lạp.../.Vì sao Tây Ban Nha trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố?