Trong phiên điều trần vừa kết thúc cách đây ít giờ, thẩm phán William Ehrcke của Tòa án Tối cao British Columbia, Canada tỏ ra nghi ngờ việc chồng bà Mạnh Vãn Chu, ông Lưu Hiểu Tông có thể hành động như một người bảo lãnh nếu vợ ông được tại ngoại hay không. Ngoài ra, ông William nói thêm rằng không thể đảm bảo không có rủi ro nếu tòa án chấp nhận yêu cầu xin tại ngoại của nữ giám đốc tài chính Huawei. 

Trước đó, luật sư của bà Mạnh, David Martin cho biết chồng bà Mạnh sẽ nộp hơn 11 triệu USD tiền bảo lãnh với 750.000 USD là tiền mặt và 2 ngôi nhà ở Vancouver để bà được tại ngoại. 

103449-1.jpg
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters

Ông Martin nói thêm rằng thân chủ của mình đồng ý để các nhân viên an ninh giám sát, chấp nhận đeo vòng theo dõi GPS nếu được ở lại trong căn nhà tại Vancouver và chính bà Mạnh sẽ tự bỏ tiền để trả tiền cho các hình thức giám sát này. 

Tuy nhiên, luật sư chính phủ Canada John Gibb-Carsley lập luận công ty được bà Mạnh ủy quyền giám sát không có kinh nghiệm theo dõi người tại ngoại trong khi thiết bị giám sát dễ bị cắt bỏ và có thể bị chính Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc can thiệp. 

Trong một bản khai dài 55 trang, bà Mạnh cho biết muốn ở lại Vancouver để tranh luận về việc dẫn độ và sẽ "tranh luận về các cáo buộc tại phiên tòa ở Mỹ". 

Tuy nhiên, ông Gibb-Carsley lập luận rằng phó Chủ tịch của Huawei có tiềm lực rất lớn về tài chính nên bà có thể trả bất cứ thứ gì được yêu cầu trước khi bỏ trốn. 

"Kể từ khi biết được thông tin về cuộc điều tra và các hành động bị cáo buộc, bà Mạnh đã tránh tới Mỹ và các giám đốc điều hành khác của Huawei cũng không còn nhập cảnh Mỹ", ông Carsley cho biết. 

Ông Martin phản bác lại rằng thân chủ của ông không có tiền án, khẳng định bà có mối quan hệ thân thuộc để ở lại Vancouver, đồng thời trích dẫn vấn đề sức khỏe để thuyết phục tòa thả bà Mạnh ra khỏi trung tâm cải huấn cách Vancouver 50 km. 

"Bà Mạnh chỉ có 2 hộ chiếu hợp lệ được cấp ở Trung Quốc và Hồng Kông đều đã bị tịch thu. Điều này sẽ ngăn bà lên bất cứ chuyến bay thương mại nào. Nơi duy nhất bà ấy có thể chạy trốn được là đất liền Mỹ, quốc gia đang muốn dẫn độ bà", ông Martin lập luận. 

Phiên điều trần ở Vancouver là bước khởi đầu của một quá trình pháp lý kéo dài ở Canada, có thể kết thúc bằng việc dẫn độ bà Mạch sang Mỹ để hầu tòa. Mặc dù Canada là 1 trong hơn 100 quốc gia từng ký kết hiệp ước dẫn độ với Mỹ, buộc nước này phải hợp tác theo những yêu cầu từ Văn phòng Quốc tế vụ (OIA) của Bộ Tư pháp Mỹ, quá trình này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí là vài năm. 

Nếu thẩm phán Canada đồng ý để Mỹ dẫn độ bà Mạnh, các chuyên gia cho rằng bà có nhiều cơ hội để kháng cáo quyết định này./.