Sáng 2/4 một hội thảo quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội với chủ đề “Việt Nam trong Hội đồng Bảo an (Liên Hợp Quốc) – Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”.

hoi_dong_bao_an_viet_nam_vov_1__uzhg.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung phát biểu dẫn đề tại hội thảo về "Việt Nam trong Hội đồng Bảo an".

Sự kiện có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Đại diện thường trú tại Việt Nam của Quỹ KAS (Đức) Peter Girke, các cán bộ nghiên cứu của Học viện Ngoại giao Việt Nam, và các cán bộ ngoại giao của một số đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội cũng như đại diện một số tổ chức quốc tế.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Vũ Tùng – Giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1977. Ông Nguyễn Vũ Tùng cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của ngoại giao đa phương.

Trong khi đó ông Peter Girke cho biết, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các tổ chức đa phương và mong Việt Nam sẽ có đóng góp rộng lớn hơn nữa, không chỉ ở trong khu vực.

Trong phát biểu dẫn đề, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh việc Việt Nam từng làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ 2008-2009.

Ông Lê Hoài Trung cho biết, việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an đã giúp các đối tác hiểu hơn về nước ta và ngoại giao nước ta. Theo Thứ trưởng, thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và năng lực của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại.

Các đại biểu nước ngoài dự hội thảo.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ, ngoài hoạt động gìn giữ hòa bình, Việt Nam sắp tới còn tham gia hoạt động công binh tại một số khu vực trên thế giới.

Ông Lê Hoài Trung bày tỏ mong muốn, tại hội thảo này các đại biểu sẽ thiết thực thảo luận những gì Việt Nam có thể làm tại Hội đồng Bảo an để đóng góp tích cực cho nền hòa bình thế giới...

Theo chương trình dự kiến, Hội thảo sẽ diễn ra trong cả ngày 2/4, với 3 phiên thảo luận chuyên đề: (1) Hội đồng Bảo an và chương trình nghị sự 2020-2021, (2) Hội đồng Bảo an và vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa xung đột, và (3) Hội đồng Bảo an và vấn đề giải quyết hậu quả xung đột./.