Thông báo của Bộ Lao động được đưa ra trùng thời điểm với Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12, được cho là một phần trong nỗ lực chấm dứt các hành vi phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo Cục Phúc lợi và Bảo vệ Người Lao động (DLPW) thuộc Bộ Lao động Thái Lan, có tới 30% người nhiễm HIV/AIDS cho biết, họ từng bị chủ lao động phân biệt đối xử cả trong quá trình tuyển dụng và khi đang làm việc. Hiện có khoảng 470.000 người nhiễm với HIV/AIDS ở Thái Lan, họ có quyền bình đẳng về việc làm theo luật pháp Thái Lan và Cục Phúc lợi và Bảo vệ Lao động có nghĩa vụ hỗ trợ họ bằng cách đảm bảo việc tôn trọng những quyền này.

Bộ Lao động Thái Lan đưa ra ba yêu cầu đối với người sử dụng lao động, gồm: đối xử công bằng với người xin việc, bất kể người lao động nhiễm HIV/AIDS; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về virus HIV và cách ngăn ngừa lây nhiễm; và giúp đỡ cho những nhân viên bị nhiễm bệnh để đảm bảo họ có thể tiếp cận với những loại thuốc họ cần thông qua chương trình an sinh xã hội của chính phủ.

Tại Thái Lan, đã có những tiến bộ to lớn trong thành tựu y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS trong vài năm qua, khoảng 85% bệnh nhân HIV/AIDS đã được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị y tế trị giá 3 tỷ baht mỗi năm (khoảng 99,3 triệu USD), trong khi số còn lại hoặc chưa được tiếp cận với phương pháp điều trị hoặc do dự. Bộ Lao động Thái Lan cho rằng, nếu được điều trị đúng cách, lao động nhiễm HIV/AIDS có thể làm việc bên cạnh những nhân viên khỏe mạnh, tuy nhiên, tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc vẫn còn phổ biến./.