Việc ngoại trưởng 4 nước tới Australia gặp mặt trong bối cảnh tình hình tại Ukraine đang  căng thẳng cho thấy tầm quan trọng không thể bỏ qua của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chiến lược hiện tại của thế giới.

Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, tại hội nghị Bộ Tứ diễn ra vào ngày mai, ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ thảo luận về việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trong khu vực, về công nghệ quan trọng và công nghệ mạng, thách thức trong quá trình chống lại thông tin sai lệch và độc hại. Bên cạnh đó, ngoại trưởng 4 nước còn thảo luận về chống khủng bố, an ninh hàng hải, và biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề khác đang thu hút sự quan tâm của khu vực.

Dư luận trong cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đổ dồn sự quan tâm vào tình hình tại Ukraine, không loại trừ ngoại trưởng các nước Bộ Tứ cũng đề cập nội dung này. Tuy nhiên do mức độ quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia với Nga rất khác nhau nên sẽ khó có khả năng Bộ Tứ có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề Ukraine.

Ngoài nội dung được thảo luận tại hội nghị, việc ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trực tiếp tới Australia gặp mặt cũng sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới khu vực. Nó cho thấy 4 quốc gia này đánh giá cao hoạt động của cơ chế Bộ Tứ cũng như mong muốn liên tục duy trì ảnh hưởng của Bộ Tứ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hành động này cũng cho thấy, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi có lợi ích chiến lược lâu dài vì thế Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia không thể phớt lờ cho dù khu vực xuất hiện điểm nóng khác.

Bộ trưởng Marise Payen cho biết, Bộ Tứ sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc hỗ trợ triển khai thực tế Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Rory Medcalf, người đứng đầu Trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định, việc Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Australia tham dự Hội nghị Bộ Tứ và sau đó là đến Fiji cho thấy cam kết của Mỹ đối với khu vực cũng như quyết tâm của 4 nước khi đều cử quan chức cấp cao tham dự hội nghị này.

Tuy vậy tình hình thực tế này cũng đặt ra thách thức đối với Bộ Tứ trong việc làm thế nào để duy trì được sự quan tâm, mức độ cam kết của 4 nước trong bối cảnh tình hình thế giới luôn có nhiều diễn biến bất ngờ.

Khác với nhiều cơ chế đa phương chú trọng lợi ích trực tiếp của các thành viên, trong khuôn khổ Bộ Tứ, ngoài nội dung chính là thúc đẩy hợp tác giữa 4 quốc gia thì các thành viên cũng đặt ra tham vọng trở thành những người dẫn dắt, hỗ trợ khu vực đối mặt với các thách thức, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định có lợi cho sự phát triển của 4 quốc gia này.

Về lâu dài, Bộ Tứ cần chương trình nghị sự mang tính chiến lược để duy trì sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm và ủng hộ của khu vực. Căng thẳng trong vấn đề Ukraine đang đặt ra nguy cơ phân tán sự quan tâm nhưng ngược lại nó cũng là cơ hội để Bộ Tứ chứng minh mối quan tâm và sự gắn kết lâu dài thông qua các cam kết và hành động cụ thể của mình.

Khi thế giới bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19, 4 quốc gia thành viên Bộ Tứ đã cung cấp hơn 505 triệu liều vaccine trong tổng số 1,3 tỷ liều vaccine mà các nước này đã cam kết trên quy mô toàn cầu. Ngoại trưởng Marise Payne cho biết, không dừng lại ở đó, Bộ Tứ sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực phục hồi  sau đại dịch Covid-19 trong lúc tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác thiết thực giữa 4 quốc gia.

Thực tế, trong năm qua, khi toàn thế giới phải tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với Covid-19 thì Bộ Tứ đã thể hiện vai trò là cơ chế dẫn dắt khu vực khi cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cùng nhiều trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai tiêm vaccine cho các nước trong khu vực. Đây là điều được các nước trong khu vực ghi nhận và đánh giá cao, nó cho thấy sự song hành của Bộ Tứ cùng với khu vực trong lúc ứng phó với những thách thức chung.

Bà Marise Payen nhấn mạnh Bộ Tứ là cơ chế hợp tác giữa nước này với ba đối tác và bạn bè thân thiết nhất của Australia mà ở đó tất cả các quốc gia đều có chung cam kết về tính công khai và minh bạch. Bộ trưởng Australia tin tưởng, cùng với nhau, bốn nước tạo ra một mạng lưới quan trọng của các nền dân chủ tự do, cam kết hợp tác thiết thực và đảm bảo tất cả các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đưa ra các quyết định chiến lược của riêng mình, không bị ép buộc.

Nhóm Bộ Tứ được thành lập vào năm 2017 và cuộc gặp ngày mai là cuộc họp thứ 4 và cũng là cuộc gặp trực tiếp thứ 3 giữa các bộ trưởng ngoại giao của nhóm này. Dư luận sẽ theo dõi sát cuộc họp này để có thể thấy rõ hơn không chỉ tầm nhìn chiến lược mà cả các kế hoạch cụ thể của Bộ Tứ đối với khu vực, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19./.