Sau cuộc gặp, các bên đã ra tuyên bố chung khẳng định quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố chung nêu rõ, lãnh đạo các nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ tái cam kết quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nền tảng cho an ninh và thịnh vượng chung. Tuyên bố khẳng định, hợp tác giữa 4 nước vẫn không thay đổi kể từ cuộc gặp gần nhất cách đây 6 tháng mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gia tăng, cuộc khủng hoảng khí hậu đã tăng tốc và an ninh khu vực trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ tái khẳng định thúc đẩy trật tự mở, tự do và dựa trên luật lệ trên cơ sở luật pháp quốc tế và không bị cưỡng ép cũng như củng cố an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nước này tuyên bố đấu tranh vì thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dâ chủ và trọn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ tái khẳng định sự ủng hộ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN và hoan nghênh Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu.
Đối với cuộc chiến chống Covid-19, lãnh đạo nhóm Bộ Tứ hoan nghênh việc Ấn Độ thông báo nối lại xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 bao gồm cho COVAX từ tháng 10 năm 2021. Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp các đối tác khu vực mua vaccine thông qua khoản Vay hỗ trợ ứng phó khẩn cấp khủng hoảng Covid-19 lên tới 3,3 tỷ USD.
Australia sẽ hỗ trợ 212 triệu USD giúp mua vaccine cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ngoài ra, Australia cũng sẽ hỗ trợ 219 triệu USD giúp điều phối nỗ lực vận chuyển vaccine của nhóm Bộ Tứ ở những khu vực trên. 4 nước thuộc nhóm Bộ Tứ cũng sẽ tăng cường hợp tác khoa học và kỹ thuật trong các lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng và giám sát hệ gien nhằm thúc đẩy các nỗ lực sớm chấm dứt đại dịch và xây dựng tốt hơn hệ thống an ninh y tế. Nhóm Bộ Tứ cũng sẽ tiến hành diễn tập chung chuẩn bị cho đại dịch trong năm 2022.
Trong lĩnh vực khí hậu, nhóm Bộ Tứ cam kết sẽ cùng phối hợp nhằm duy trì giới hạn nhiệt độ theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và theo đuổi nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trái đất không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước thuộc nhóm Bộ Tứ dự định sẽ cập nhật hoặc thông tin về các mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Hội nghị COP26 đồng thời hoan nghênh các nước đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định.
Các nước nhóm Bộ Tứ sẽ điều phối các hoạt động ngoại gao nhằm làm tăng tham vọng toàn cầu bao gồm vận động các đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 4 nước này sẽ hợp tác nhằm thiết lại các chuỗi cung ứng năng lượng sạch có khả năng phục hồi và trách nhiệm đồng thời củng cố Liên minh Cơ sở hạ tầng dễ phục hồi sau thảm họa và các hệ thống thông tin khí hậu.
Tuyên bố chung cho biết các nước thuộc nhóm Bộ Tứ cùng thúc đẩy việc triển khai các mạng lưới 5G an toàn, minh bạch và mở. Nhóm Bộ Tứ đang lập bản đồ chuỗi cung ứng các công nghệ và nhiên liệu quan trọng bao gồm bán dẫn và khẳng định cam kết tích đối với các chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng an toàn, đa dạng và dễ phục hồi, ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp hỗ trợ và chính sách minh bạch và theo định hướng thị trường của chính phủ. Nhóm Bộ Tứ công bố Các Nguyên tắc về Thiết kế, Phát triển, Quản trị và Sư dụng Công nghệ với hy vọng sẽ là chỉ dẫn cho không chỉ khu vực mà cả thế giới hướng tới sáng tạo tiêu chuẩn cao, mở và có trách nhiệm.
Nhóm Bộ Tứ cũng giới thiệu mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng mới nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở khu vực. Các nước trong nhóm Bộ Tứ cũng bắt đầu cơ chế hợp tác mới trong không gian mạng và cam kết cùng phối hợp chống các mối đe dọa mạng và bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước. Các nước này sẽ xác định các cơ hội phối hợp mới và chia sẻ dữ liệu vệ tinh cho mục đích hòa bình như giám sát biến đổi khí hậu, chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương và ứng phó với các thách thức trong các lĩnh vực chung.
Nhóm Bộ Tứ bắt đầu một chương mới của hợp tác giáo dục và nhân dân với Chương trình học bổng nhóm Bộ Tứ. Chương trình này sẽ cấp học bổng cho 100 sinh viên của cả 4 nước trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học.
Ở Nam Á, nhóm Bộ Tứ sẽ phố hợp chặt chẽ các chính sách ngoại giao, kinh tế và nhân quyền đối với Afghanistan và tăng cường hợp tác nhân đạo và chống khủng bố trong những tháng tới trên cơ sở Nghị quyết 2593 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhóm Bộ Tứ tái khẳng định rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để đe dọa hoặc tấn công bất kỳ nước nào hoặc để che giấu hoặc huấn luyện các phần tử khủng bố hoặc lên kế hoạch hoặc tài trợ cho các hoạt động khủng bố.
Nhóm Bộ Tứ cũng nhắc lại tầm quan trọng của chống khủng bố ở Afghanistan. Nhóm Bộ Tứ lên án việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc từ chối hỗ trợ quân sự, tài chính hoặc hậu cần cho các nhóm khủng bố mà có thể được sử dụng để tấn công hoặc lên kế hoạch tấn công khủng bố xuyên biên giới. Nhóm Bộ Tứ tuyên bố ủng hộ người dân Afghanistan và kêu gọi Taliban tạo điều kiện an toàn cho những người muốn rời khỏi nước này đồng thời đảm bảo quyền của mọi người dân Afghanistan bao gồm phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số được tôn trọng.
Nhóm Bộ Tứ nhận thức rằng, tương lai chung sẽ được viết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng nhóm Bộ Tứ sẽ là một lực lượng vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng khu vực. Do đó, nhóm Bộ Tứ sẽ tiếp tục thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt được thể hiện trong Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) để ứng phó với các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ bao gồm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nhóm Bộ Tứ khẳng định, sự ủng hộ đối với các quốc đảo nhỏ, đặc biệt ở Thái Bình Dương trong việc củng cố khả năng phục hồi kinh tế và môi trường. Các nước trong nhóm Bộ Tứ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong ứng phó với các ảnh hưởng y tế và kinh tế của Covid-19 đối với cơ sở hạ tầng bền vững và chất lượng cũng như cùng phối hợp để giúp các nước này giảm nhẹ và thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vốn mang lại các thách thức đặc biệt nghiêm trọng cho khu vực Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của nhóm Bộ Tứ đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trên cơ sở các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ và khẳng định sự cần thiết giải quyết ngay vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Nhóm Bộ Tứ kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của thành viên Liên hợp quốc và kiềm chế khiêu khích cũng như tham gia đối thoại có ý nghĩa. Nhóm Bộ Tứ tiếp tục kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar, thả các tù nhân chính trị bao gồm người nước ngoài, đối thoại mang tính xây dựng và sớm khôi phục dân chủ. Nhóm Bộ Tứ kêu gọi thực hiện khẩn cấp đồng thuận 5 điểm của ASEAN.
Cuối tuyên bố chung, lãnh đạo nhóm Bộ Tứ khẳng định cam kết vững chắc xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như tầm nhìn xa và tham vọng đối với quan hệ đối tác trong nhóm./.