Ngày 1/10 là ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalonia, vốn bị Chính quyền trung ương Tây Ban Nha cực lực phản đối. Cảnh sát đã đóng cửa ít nhất 92 điểm bỏ phiếu trên khắp khu vực Catalonia. Điều này một lần nữa phản ánh sự đối đầu gay gắt giữa chính quyền xứ Catalonia và chính quyền ở Madrid, giữa một bên muốn tách khỏi Tây Ban Nha và bên kia kiên quyết không để điều này xảy ra.

Cơ quan dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của Catalonia cho biết, trong số những người bị thương có 2 người trong tình trạng nguy kịch. Vụ việc xảy ra khi Cảnh sát Tây Ban Nha đập cửa kính, bắn đạn cao su ở điểm bỏ phiếu nơi các lãnh đạo vùng Catalonia tiến hành trưng cầu dân ý ly khai rời khỏi chính quyền Madrid. Cảnh sát Tây Ban Nha cũng cố ngăn cử tri vùng này vào các điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

_98098901_042129545_getty_kiml.jpg
Người biểu tình đòi độc lập của Catalonia. (Ảnh: AP)

Lãnh đạo vùng Catalonia (Tây Ban Nha) Carles Puigdemont cáo buộc chính quyền Tây Ban Nha sử dụng hành động bạo lực trong chiến dịch trấn áp cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của khu vực này. Phát biểu với báo giới, ông Puigdemont nhấn mạnh: việc cảnh sát Tây Ban Nha sử dụng dùi cui, đạn cao su và bạo lực nhằm ngăn chặn cuộc bỏ phiếu vốn bị chính quyền trung ương coi là bất hợp pháp, cho thấy “một hình ảnh bên ngoài đáng sợ của Tây Ban Nha".

“Hành động bạo lực một cách phi lý, không cân xứng và vô trách nhiệm của nhà nước Tây Ban Nha không những không thể ngăn chặn nguyện vọng bỏ phiếu của người dân Catalan, mà chỉ càng xác định rõ ràng tất cả những hoài nghi mà chúng tôi phải giải quyết ngày hôm nay.”

Trong khi đó, Phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria lên tiếng khen ngợi cảnh sát và cho rằng họ đã cư xử hợp lý trong sự kiện ngày hôm nay.

"Họ đã hành động theo mệnh lệnh của công lý. Họ hành động với sự chuyên nghiệp và hợp lý. Các hành động của họ không nhắm vào người dân mà là những công cụ của cuộc trưng cầu ý dân. Họ luôn luôn nỗ lực bảo vệ các quyền và sự tự do".

Bà Santamaria cũng chỉ trích chính quyền vùng Catalonia "vô trách nhiệm" khi đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Trước đó, sáng cùng ngày, người dân Catalonia đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm quyết định việc độc lập cho vùng tự trị này. Lo sợ cảnh sát sẽ phong tỏa tất cả các điểm bỏ phiếu, nhiều cử tri đã chiếm đóng các địa điểm này trước, một số người đã mang theo gối và chăn để ngủ lại bên ngoài. Những người tổ chức đưa thùng phiếu đến cử tri từ trước khi bình minh lên và kêu gọi mọi người kháng cự một cách bị động trước cảnh sát.

Một người biểu tình bị tấn công chảy máu đầu. (Ảnh: AP)

Theo người phát ngôn chính quyền vùng Catalonia Jordi Turull, bất chấp chiến dịch ngăn chặn của lực lượng an ninh cũng như những trở ngại về kỹ thuật, cuộc trưng cầu diễn ra với 73% trong tổng số 6 nghìn điểm bỏ phiếu đã mở cửa. Giới chức Catalonia cho biết nhà chức trách đã in những lá phiếu mới sau khi 5 triệu lá phiếu bị cảnh sát tịch thu.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có khoảng 40% người dân ở Catalonia ủng hộ độc lập, dù phần lớn họ đồng ý với việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Khu tự trị 7,5 triệu dân này là vùng giàu có nhất Tây Ban Nha với quy mô nền kinh tế còn lớn hơn của Bồ Đào Nha.

Không ai biết trò chơi đuổi bắt giữa chính quyền Tây Ban Nha và Catalonia bao giờ mới kết thúc. Cả hai phía đều không có dấu hiệu nhượng bộ. Do đó, không loại trừ khả năng chính phủ Tây Ban Nha sẽ dùng điều 155 của hiến pháp, một việc chưa từng có tiền lệ, cho phép chính quyền trung ương đình chỉ quyền tự trị của xứ Catalonia và tiếp quản để chấm dứt cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, sau các cuộc đột kích của cảnh sát vào các điểm bỏ phiếu gây tranh cãi, lựa chọn này nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Việc áp dụng điều 155 không những có thể bị cộng đồng trong và ngoài nước xem là quá nặng tay, mà còn khiến người dân Catalonia càng muốn độc lập. Chính vì thế, các nhà phân tích dự báo, tình hình tại Tây Ban Nha sẽ còn phức tạp trong những ngày tới./.