Động thái này bị cho là bất hợp pháp và sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền xứ Catalan với chính phủ trung ương ở Madrid.
Các nhà lập pháp vùng Catalan dự kiến sẽ bỏ phiếu về các luật thông qua cuộc trưng cầu ý dân này, cũng như khuôn khổ pháp lý để thành lập một quốc gia độc lập.
Người đứng đầu xứ Catalan Carles Puigdemont (phải) và người tiền nhiệm của ông, Artur Mas. (Ảnh: Reuters) |
Chính phủ Tây Ban Nha từ lâu luôn khẳng định, bất cứ cuộc bỏ phiếu nào tại Catalan về đòi độc lập là "trái với Hiến pháp", đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép cuộc bỏ phiếu này diễn ra.
“Họ từ lâu đã biết rằng tôi sẽ không cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như vậy”, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa cho biết. “Tôi đã nói rõ với họ rằng tôi sẽ không làm điều đó, nhưng họ vẫn quyết định tiếp tục đi theo con đường mà không dẫn tới đâu cả”.
Trước đó, trong một cuộc họp báo đầu tuần này, Thủ tướng Rajoy cũng tái khẳng định cam kết sẽ không để cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập diễn ra vào ngày 1/10 tới.
Với 7,5 triệu người - chiếm 1/5 dân số Tây Ban Nha, Catalan là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha, có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng. Vùng lãnh thổ này đóng góp 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài suốt 5 năm qua ở Tây Ban Nha và từ lâu đã có ý định tách ra độc lập./.