Thông tin về việc tình báo Mỹ nghe lén nhiều quốc gia, thậm chí đối với cả các nước đồng minh, đang là đề tài nóng được nhiều cơ quan báo chí quốc tế liên tục đưa tin trong những ngày qua. Sau Đức, Pháp, Tây Ban Nha trở thành quốc gia tiếp theo buộc phải triệu Đại sứ Mỹ tới để giải thích về vụ nghe lén. Dư luận Tây Ban Nha có những phản ứng gay gắt với hoạt động này của Mỹ.

Cơ quan công tố Tây Ban Nha hôm 29/10 tiến hành điều tra sơ bộ thông tin từ báo “Thế giới” của nước này cho rằng, các cơ quan an ninh Mỹ đã nghe lén hàng chục triệu cuộc gọi điện thoại tại “Xứ sở Bò tót”.

phong%20tinh%20bao%20my.jpg
Bên trong phòng của 1 đơn vị tình báo Mỹ (ảnh: RT)

Người phát ngôn Văn phòng Công tố viên Nhà nước Tây Ban Nha cho biết, việc điều tra này là nhằm xác định các cuộc nghe lén có mang dấu hiệu tội phạm hình sự hay không, ai là người chịu trách nhiệm về những hành vi này và liệu các tòa án Tây Ban Nha có đủ thẩm quyền điều tra hay không. Việc điều tra diễn ra giữa lúc châu Âu đang nổi giận vì những phát giác cho rằng Mỹ liên quan trực tiếp tới hàng triệu cuộc gọi và liên lạc trên mạng Internet của nhiều công dân châu Âu, trong đó có các nhà lãnh đạo như nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trước đó, ngày 28/10 vừa qua, báo “Thế giới” của Tây Ban Nha đăng tải một tài liệu mật cho thấy, cơ quan an ninh của Mỹ đã theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi tại Tây Ban Nha trong vòng một tháng, tính từ ngày 8/1 vừa qua. Việc theo dõi này được tiến hành trong khuôn khổ chương trình hoạt động gián điệp trên toàn cầu của các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã ghi lại các thông số cơ bản về lịch sử cuộc gọi như số máy gọi đi, số máy tiếp nhận và thời lượng cuộc gọi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ có ghi lại nội dung các cuộc gọi này hay không.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia Margallo cảnh báo, nếu việc Mỹ do thám các cuộc gọi điện thoại ở Tây Ban Nha là có thật, thì điều này sẽ tác động lớn tới "sự tin cậy lẫn nhau" vốn chi phối các mối quan hệ song phương.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha trước đó đã triệu Đại sứ Mỹ tới để chất vấn về những cáo buộc nói trên, đồng thời yêu cầu Mỹ cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan đến cáo buộc nghe lén điện thoại.

Nhiều người dân Tây Ban Nha hôm nay (30/10) bày tỏ thái độ phản đối trước hoạt động nghe lén của Mỹ như: “Theo tôi, đây là hành vi sai trái. Tây Ban Nha và Mỹ là đối tác của nhau, vì thế, Mỹ không nên nghi kị Tây Ban Nha như vậy. Chính phủ Tây Ban Nha nên yêu cầu Mỹ giải thích rõ ràng về vấn đề này”, hay “Tôi không quan tâm về việc chính phủ Mỹ có theo dõi tôi hoặc các bạn của tôi khi chúng tôi gặp nhau hay đi xem phim hay không. Song chúng tôi cho rằng, những gì người Mỹ làm trong thời gian qua là hành vi sai trái. Việc họ nghe lén các nước đồng minh khiến họ mất đi sự tin tưởng từ chính các đối tác của họ.”

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động do thám của Mỹ không có gì mới, thậm chí hoạt động này đã được chính quyền Mỹ xúc tiến trong thời gian dài. Một chuyên gia tình báo Tây Ban Nha giải thích: “Mọi người bị sốc khi biết các thông tin này. Thực tế, người Mỹ đã thực hiện các hoạt động nghe lén trong một thời gian dài. Hoạt động do thám của Mỹ đã được thực hiện từ trước chiến tranh thế giới thứ 2. Vào năm 1944, một đại diện của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã từng nói: Chính phủ Mỹ cần phải do thám các hoạt động thông tin liên lạc của các đối tác vì các đối tác có thể chuyển từ bạn thành thù.”

Trước làn sóng chỉ trích ngày càng mạnh mẽ này, giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị cho các cơ quan An ninh Quốc gia xem xét lại các chương trình do thám. Mới đây nhất, hôm qua, nhiều quan chức an ninh Mỹ đã phải ra điều trần tại Hạ viện về vụ nghe lén điện thoại. Chưa biết vụ việc sẽ đi đến đâu, song một thực tế có thể thấy là vụ nghe lén điện thoại đã và đang làm uy tín của Mỹ trước các đồng minh cũng như trên thế giới bị suy giảm./.