Tàu tự hành thám hiểm mặt trăng đầu tiên mang tên Yutu, hoặc có tên gọi khác là Ngọc Thỏ của Trung Quốc, đã tách ra khỏi tàu đổ bộ Hằng Nga sáng sớm nay (15/12), chỉ vài giờ sau khi Tàu Thám hiểm Hằng Nga -3 hạ cánh trên bề mặt mặt trăng.

ngoc-tho.jpg
Tàu tự hành thám hiểm mặt trăng chạm bề mặt mặt trăng lúc 4h35 sáng sớm 15/12. Ảnh chụp từ Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Trung Quốc (Tân Hoa xã)

Tàu tự hành 6 bánh chạm vào bề mặt mặt trăng lúc 4h35 sáng sớm Chủ nhật 15/12. Quá trình này được ghi lại bằng máy ghi hình trên tàu đổ bộ và các hình ảnh đã được gửi về trái đất.

Sau khi tách, tàu tự hành và tàu đổ bộ sẽ ghi lại hình ảnh của nhau và bắt đầu các hoạt động khám phá khoa học.

Theo thần thoại Trung Quốc cổ đại, Yutu là thỏ màu trắng (Ngọc Thỏ) của nữ thần mặt trăng Hằng Nga. Tên cho tàu tự hành đã được lựa chọn sau một cuộc thăm dò trực tuyến với vài triệu phiếu bầu từ người bình chọn trên khắp thế giới.

Trước đó, tàu vũ trụ "Hằng Nga 3" của Trung Quốc đã đáp xuống Mặt Trăng lúc 21h12 tối 14/12, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3, sau Mỹ và Liên Xô cũ, thực hiện thành công kỳ tích này. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt một thiên thể ngoài Trái Đất. Thành công này là bước đi quan trọng trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.

Theo kế hoạch tàu tự hành Ngọc Thỏ sẽ tiến hành khảo sát địa chất Mặt Trăng ít nhất trong vòng 3 tháng. "Hằng Nga-3" là giai đoạn hai trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc để tiếp nối sứ mệnh "Hằng Nga-1" và "Hằng Nga-2" trong các năm 2007 và 2010. Các nhà khoa học Trung Quốc hiện cũng đang nghiên cứu khả năng đưa người lên Mặt Trăng sau năm 2020./.