Tổng thống mới đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte, vừa gây tranh cãi bằng các phát ngôn vô cùng “mạnh miệng” và “bất ngờ” về hành vi hiếp dâm, giết người phi pháp và nhiều điều khác nữa.

tong_thong_duterte_0_ryge.jpg
Tổng thống Philippines Duterte (phía trước, bìa phải). Ảnh: WashingtonPost.

Vị tân Tổng thống nói rằng, nhiều nhà báo bị sát hại ở Philippines là đã hư hỏng và “làm điều gì đó” khiến họ kiểu gì cũng bị giết.

AFP hôm 31/5 dẫn lời ông Rodrigo Duterte nói: “Nếu anh là đồ rác rưởi thì dù anh là một nhà báo, anh cũng không được miễn trừ khỏi việc bị ám sát”.

Tuyên bố mạnh mồm của ông Duterte - người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 30/6, là để đáp lại câu hỏi về cách thức ông xử lý các vụ giết nhà báo.

Trước đó Rodrigo Duterte đã vấp phải cơn giận dữ của dư luận quốc tế vì đã đưa ra các bình luận về vụ hiếp và giết một nhà truyền giáo Australia vào năm 1989. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã gọi ông là “Thị trưởng của Biệt đội Tử thần”.

Philippines là đất nước thứ nhì thế giới về mức độ chết chóc đối với nhà báo, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo. Ít nhất 75 nhà báo đã bị sát hại ở đây từ năm 1992. Vào tháng 5 vừa qua, nhà báo Alex Balcoba đã bị bắn chết ở ngay thủ đô Manila.

Hôm 31/5, hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Duterte nói rằng nhiều nhà báo bị sát hại đã nhận hối lộ và chỉ trích người khác – và những người này đã trả đũa. Ông Duterte cũng cho biết một bình luận viên phát thanh bị giết ở thành phố Davao là một kẻ “thối nát”.

Theo AFP, Duterte khẳng định “Thành thực mà nói, hầu hết những người bị giết đều đã làm điều gì đó. Nếu mà anh không làm gì sai thì đời nào bị người ta giết.”

Ông Duterte cũng tuyên bố rằng các nhà báo nào đi phỉ báng người khác thì không nhất thiết được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công bạo lực.

Các nguồn tin dẫn lại lời của Tổng thống Duterte: “Không có chuyện chỉ có tự do ngôn luận không thôi. Hiến pháp không bảo vệ anh nếu anh thiếu tôn trọng một người nào đó”.

Liên minh Quốc gia các Nhà báo Philippines đã lên án tuyên bố của Tổng thống Duterte, coi đó là sự thiếu tôn trọng đối với các nhà báo đã bị giết.

Tổ chức này nói rằng họ không phủ nhận tình trạng thoái hóa biến chất trong giới truyền thông nhưng đây chỉ là một trong các nguyên nhân dẫn tới các vụ giết người và điều đó cũng không thể biện minh cho việc tước đoạt mạng sống của nhà báo.

Cũng hôm 31/5, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố treo tiền thưởng cho các quan chức quân đội và cảnh sát nào nộp được cho giới chức các trùm ma túy, có thể còn sống hoặc đã chết./.