Trái với dự đoán, tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm nay (15/6) vẫn tới thăm Pháp lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức và có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron.
Trước đó, đã có nhiều thông tin đồn đoán chuyến đi sẽ không thể diễn ra theo kế hoạch do căng thẳng leo thang những ngày qua giữa hai nước, sau khi Chính phủ Italy từ chối tiếp nhận một con tàu nhân đạo, khiến hơn 600 người di cư phải lênh đênh trên Địa Trung Hải trong nhiều giờ.
Đây là chuyến thăm Pháp đầu tiên của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng trước. Thủ lĩnh Phong trào 5 sao trong liên minh cầm quyền Luigi Di Maio trước đó cảnh báo sẽ hủy bỏ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nếu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không xin lỗi vì những lời chỉ trích “vô trách nhiệm” nhằm vào Chính phủ Italy.
Thế nhưng, cuối cùng cuộc gặp vẫn diễn ra theo kế hoạch, song dự báo sẽ không thiếu những chủ đề gây chia rẽ giữa một Tổng thống Pháp luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân túy đang ngày một tăng tại châu Âu, với một nhà lãnh đạo Italy có tư tưởng dân túy và bài châu Âu mạnh mẽ. Ngay trước chuyến thăm Pháp của tân Thủ tướng Italy, người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của nước này trong vấn đề đang gây tranh cãi giữa hai nước.
“Tổng thống Macron từng nói rõ rằng, đối với những trường hợp như của tàu cứu hộ Aquarius, thì mọi hành động nên tuân theo luật biển và luật pháp quốc tế, tức là vùng bờ biển gần nhất sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm phải tiếp nhận. Và Tổng thống Pháp cũng nói rằng, nếu bất kỳ tàu nào ở gần vùng bờ biển của nước Pháp đều có thể cập cảng, bởi đây là một sự tôn trọng đối với luật biển và luật pháp quốc tế”, ông Griveaux nhấn mạnh.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa Pháp và Italy không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Những căng thẳng quanh vụ tàu nhân đạo Aquarius chở theo hơn 600 người nhập cư bị Italy từ chối tiếp nhận, chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, cho thấy rõ hơn những căng thẳng tiềm ẩn giữa hai nước và không chỉ mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ nhiều năm nay.
Bộ trưởng tài chính Pháp và Italy đồng ý nối lại cuộc gặp
Là một chuyên gia về quan hệ Pháp-Italy, ông Jean Pierre Darnis thậm chí còn đề cập “một kiểu thiếu lòng tin” từ phía các nhà lãnh đạo Italy đối với những người đồng cấp Pháp. Trong khi đó, chuyên gia Sophia Antipolis thuộc Đại học Nice (Pháp) lại cho rằng, quan hệ Pháp-Italy đã bắt đầu nảy sinh vấn đề từ năm 2011 khi Pháp khởi xướng cuộc can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya nhằm lật đổ chính quyền Mouamar Kadhaphi.
Chính phủ Italy lúc bấy giờ dưới thời cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, vốn đã bị suy yếu do cuộc khủng hoảng nợ công, dù không đồng tình, song cuối cùng vẫn quyết định tham gia cuộc chiến cùng với các đồng minh phương Tây. Cũng từ thời điểm đó, người Italy bắt đầu coi Pháp là nước “tạo ra vấn đề mà không có giải pháp” và chính Italy đang phải gánh chịu những hậu quả, mà bằng chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Chính phủ Italy thường xuyên cáo buộc các đối tác châu Âu đã bỏ mặc nước này tự xoay xở với hơn 700.000 người nhập cư ồ ạt đổ về các vùng bờ biển của Italy từ năm 2013. Italy đã không ngừng yêu cầu Liên minh châu Âu thực hiện những bước đi nhằm thể hiện tình đoàn kết, cũng như xem xét lại nguyên tắc trách nhiệm được nêu trong Hiệp ước Dublin, nhấn mạnh nước đầu tiên mà người tị nạn cập cảng sẽ là nước phải chịu trách nhiệm.
Pháp, quốc gia từng cam kết sẽ tiếp nhận hơn 7.000 người nhập cư từ Hy Lạp hoặc Italy, tất nhiên sẽ là trung tâm của những lời chỉ trích, bởi nước này tới nay mới chỉ tiếp nhận hơn 600 người trong số này, tức là chưa đến 9% hạn ngạch được giao.
Tình hình càng trở nên khó chấp nhận với Italy, vốn luôn đặt niềm hi vọng lớn vào Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến dịch bầu cử Tổng thống tại Pháp năm 2017, cũng như trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ.
Có thể nói, bất chấp những lời phát biểu hoa mĩ của các nhà lãnh đạo hai nước, song giới chuyên gia đều nhận định, mối quan hệ giữa Pháp và Italy đang ở mức thấp nhất và vấn đề không chỉ là ở cách thức quản lý cuộc khủng hoảng nhập cư. Việc một Chính phủ liên minh giữa đảng cực hữu và đảng dân túy tại Italy lên nắm quyền, được dự báo sẽ làm phức tạp hơn các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Giuseppe Conte và Tổng thống Pháp Macron- người vẫn mang tham vọng trở thành một bức tường thanh chống lại chủ nghĩa dân túy tại châu Âu./.
Chính phủ dân túy mới tại Italy - Nguy cơ căng thẳng gia tăng với EU
Italy muốn tất cả các nước EU bắt buộc phải nhận đơn tị nạn