Những binh sĩ Mỹ cuối cùng đã rời đi, song quốc gia Nam Á này vẫn chưa thể yên tiếng súng, trong khi các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên khắp đất nước nhằm kêu gọi một tương lai tươi sáng hơn.
Giao tranh giữa Taliban và lực lượng kháng chiến tiếp diễn tại thung lũng Panjshir, vốn từ lâu được xem là một thành trì chống Taliban và hiện cũng là khu vực duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của lực lượng này. Không giáp biển và khó tiếp cận, Panjshir nằm cách thủ đô Kabul khoảng 80km về phía bắc đã trở thành điểm nóng quân sự tại Afghanistan từ đầu tuần này, thời điểm những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước. Một số nguồn tin cho biết, Taliban đã đề nghị trao 2 ghế cho Mặt trận kháng chiến quốc gia tại Panjshir trong chính phủ mới, song đề xuất đã bị bác bỏ.
Kể từ khi trở lại nắm quyền sau một chiến dịch tấn công quân sự chớp nhoáng khiến chính phủ đương nhiệm và cộng đồng quốc tế bất ngờ, Taliban đã cố gắng thể hiện một hình ảnh ôn hòa hơn, đặc biệt là cam kết về một chính phủ bao trùm và tích cực liên hệ với các lực lượng đối kháng. Chính vì thế thành phần ban lãnh đạo mới tại Afghanistan sẽ là phép thử đối với mong muốn thay đổi của Taliban.
Những ngày qua, Liên minh châu Âu, Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ, cùng lãnh đạo một số quốc gia đồng minh liên tục hối thúc Taliban cụ thể hóa các cam kết bằng hành động.
Dự kiến thăm Qatar vào đầu tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (4/9) bày tỏ hy vọng Afghanistan sẽ thực sự có được một chính phủ bao trùm, mang tính đại diện và vì lợi ích của tất cả người dân Afghanistan: “Hiện có một sự kỳ vọng rằng bất kỳ chính phủ mới nào lên nắm quyền tại Afghanistan sẽ thực sự không chỉ bao gồm những người Taliban, mà sẽ đại diện cho các cộng đồng khác nhau và các lợi ích khác nhau ở Afghanistan. Điều quan trọng nhất là những gì chính phủ đó làm, những chính sách mà chính phủ đó theo đuổi và thực hiện tốt các cam kết mà Taliban đã đưa ra. Đó là cam kết về tự do đi lại, cam kết không để Afghanistan trở thành nơi phát động các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ, nhằm các đồng minh và bất kỳ đối tác nào, cũng như cam kết bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, bao gồm quyền của phụ nữ và người thiểu số.”
Hôm qua cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, người Afghanistan biểu tình ở Kabul để kêu gọi quyền của phụ nữ. Sau khi lên nắm quyền, Taliban hứa hẹn một chính phủ bao trùm và cách quản trị bằng luật Hồi giáo ôn hòa hơn giai đoạn năm 1996-2001.
Nhưng nhiều người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, vẫn lo sợ những quyền lợi đạt được trong 20 năm qua sẽ bị xóa bỏ: “Mong muốn của chúng tôi là đối với các trường học sớm mở trở lại, sinh viên có thể quay trở lại trường và việc làm cho người dân. Dù lực lượng nào lên nắm quyền, họ cũng cần phải đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, ngăn chặn các vụ cướp có vũ trang và giảm thiểu các vụ giết người."
Ngoài vấn đề an ninh, thách thức lớn nhất đối với bất kỳ chính phủ mới tại Afghanistan chính là kinh tế. Bị tàn phá sau hơn 4 thập kỷ xung đột, nền kinh tế Afghanistan đang trong tình trạng kiệt quệ, trong khi phần lớn nguồn viện trợ quốc tế đã bị đóng băng. Cảnh báo nguy cơ một thảm họa nhân đạo sắp xảy ra, Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 13/9 tới tại Geneva để tìm cách tăng viện trợ nhân đạo cho quốc gia Nam Á này./.