Đã 5 ngày kể từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang khẩn trương sơ tán công dân và người Afghanistan từng làm việc cho họ. Trong khi đó, Taliban tiếp tục có những bước đi để ổn định tình hình đất nước, trong bối cảnh quốc tế hoài nghi về những cam kết ân xá, đổi mới của họ vì ám ảnh về quá khứ mà Taliban từng cai trị.
Sân bay Kabul, nơi diễn ra các chuyến bay sơ tán công dân nước ngoài và người Afghanistan muốn rời bỏ đất nước vẫn rất căng thẳng và hỗn loạn. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, đã sơ tán 6.741 người, bao gồm 1.792 công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp khỏi Kabul. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ giữ quân đội Mỹ ở lại Afghanistan cho đến khi mọi công dân Mỹ được sơ tán, kể cả khi phải duy trì sự hiện diện quân sự sau thời hạn rút quân vào ngày 31/8.
Bên cạnh các chiến dịch sơ tán, truyền thông quốc tế bắt đầu quan tâm đến đời sống của người dân ở bên trong lãnh thổ Afghanistan và Taliban sẽ xây dựng bộ máy quyền lực như thế nào.
Hôm qua, tại nhiều thành phố của Afghanistan, nhiều người đã xuống đường biểu tình, phản đối Taliban, nhân kỷ niệm ngày Afghanistan giành độc lập từ Anh năm 1919. Chiến binh Taliban đã bắn vào đám đông ở thành phố Asadabad, khiến một số người thiệt mạng. Việc nổ súng vào các cuộc biểu tình làm dấy lên nghi ngờ đối với cam kết của Taliban sau khi lực lượng này tiếp quản Kabul.
Taliban trước đó tuyên bố muốn hòa bình, không trả thù ai và tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật pháp Hồi giáo.
Tiếp tục nỗ lực khẳng định quyền điều hành đất nước, trước buổi cầu nguyện thứ Sáu đầu tiên kể từ khi giành quyền kiểm soát, Taliban đã kêu gọi các chức sắc Hồi giáo trong nước chống lại các thông tin tiêu cực về lực lượng này, cũng như thuyết phục người dân không cố gắng rời đất nước. Taliban bày tỏ hy vọng các lãnh đạo Hồi giáo ở thủ đô Kabul và các tỉnh thúc đẩy các lợi ích và kêu gọi đoàn kết.
Các lãnh đạo của Taliban cũng bắt đầu thảo luận với các thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan về tương lai của đất nước. Taliban tuyên bố sẽ thay đổi cách cai trị so với 20 năm trước. Taliban dự định thành lập một lực lượng quân đội quốc gia, trong đó chiêu mộ thành viên của Taliban cũng như binh sĩ chính phủ. Quốc gia này nhiều khả năng sẽ nằm dưới sự quản lý của một hội đồng điều hành do Taliban chi phối.
Những tuyên bố và bước đi của Taliban có đồng nhất hay không đang được quốc tế theo dõi sát.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết thế giới cần đoàn kết thành một mặt trận chung trong việc đối phó với Taliban, thúc đẩy họ thành lập 1 chính phủ đại diện cho tất cả các nhóm sắc tộc khác nhau. Ông: “Điều cần thiết là phải có một chính phủ bao trùm, đại diện cho tất cả các nhóm sắc tộc khác nhau tồn tại trong nước. Chính phủ đó sẽ tôn trọng nhân quyền và đặc biệt, vấn đề về quyền của phụ nữ là rất quan trọng đối với chúng tôi. Chính phủ đó phải tiếp tục cho phép các cuộc sơ tán khỏi Kabul và ngăn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố”.
Các ngoại trưởng G7 hôm qua kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Afghanistan để ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang. G7 cũng kêu gọi Taliban đảm bảo lối an toàn sơ tán cho người nước ngoài và người Afghanistan. Anh thông báo sẽ tăng gấp đôi viện trợ nhân đạo và phát triển cho Afghanistan lên 286 triệu bảng Anh) trong năm nay.
Trung Quốc bày tỏ tin tưởng Taliban đã thay đổi và lịch sử cai trị hà khắc sẽ không lặp lại. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng kêu gọi thế giới nên hướng dẫn và hỗ trợ Afghanistan khi nước này chuyển sang một chính phủ mới thay vì gây thêm áp lực cho nước này.
Trả lời phỏng vấn hãng ABC phát sóng ngày hôm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Taliban có được cộng đồng quốc tế công nhận hay không, phụ thuộc vào hành động của họ.
Trong khi đó, Indonesia đang tiến hành giám sát các nhóm khủng bố có tư tưởng thân thiết và có mạng lưới với Taliban sau tình hình xảy ra ở Afghanistan.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia cho biết hiện đang tăng cường phát hiện sớm và ngăn chặn các nhóm khủng bố trong nước khi xem xét tình hình ở Afghanistan. Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia, ông Wawan Hari Purwanto cho biết, việc phát hiện sớm nhằm vào các nhóm có tư tưởng thân thiết và có mạng lưới với Taliban.
Tại Indonesia, phong trào của các nhóm khủng bố trong nước bị ảnh hưởng bởi sự phát triển tình hình ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Năm 2014, khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố hiện thực hóa nhà nước Hồi giáo ở Iraq, một số công dân Indonesia đã tìm cách trở thành một phần của nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia cũng theo dõi tình trạng của các công dân Indonesia và đại sứ quán nước này tại Afghanistan mặc dù Taliban cam kết sẽ không làm phiền các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Afghanistan. Sự an toàn của công dân là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Indonesia. Theo ông Wawan, cho đến nay, tình trạng của công dân Indonesia vẫn an toàn và đảm bảo.
Bộ Ngoại giao Indonesia trước đó đã tiến hành đối thoại với lực lượng Taliban để kêu gọi hòa bình cho Afghanistan. Indonesia bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này.
Lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul giành quyền kiểm soát đất nước ngày 15/8 và tuyên bố kết thúc cuộc chiến 20 năm với sự can dự của Mỹ và phương Tây tại Afghanistan./.