Ngoài Ashraf Ghani và các trợ lý, các quan chức và thủ lĩnh chính trị khác cũng bị phán xét vì đã đào tẩu bất chấp đã cam kết sẽ ở lại và chiến đấu đến cùng.

Người dân Afghanistan vô cùng tức giận trước thông tin ông Ghani, các vị phó của ông này, và các quan chức khác đã liên tục nói về việc ở lại cùng đất nước nhưng lại rời đi trước cả lúc sứ mệnh của các lực lượng nước ngoài kết thúc tại Afghanistan.

Hãng tin RIA của Nga dẫn lời một quan chức Đại sứ quán Nga cho biết ông Ghani ra đi cùng 4 xe ô tô "chở đầy tiền" và có để rớt lại một số tiền trên đường băng của sân bay. Tuy nhiên hãng tin Reuters cho biết họ chưa thể độc lập xác minh thông tin này.

Khi chiến sự giữa quân chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban gia tăng, Tổng thống Ghani và đội ngũ trợ lý của mình cam kết họ sẽ ở lại đất nước Trung/Nam Á nay. Thậm chí, cách đây 2 tuần, diễn văn của ông Ghani còn chỉ trích Quốc vương Afghanistan Amanullah là đã rời bỏ đất nước sau khi thoái vị vào thập niên 1920. "Còn tôi, tôi sẽ không chạy trốn" - ông Ghani dõng dạc tuyên bố.

Một số chính trị gia và thủ lĩnh khác cũng có tuyên bố tương tự như ông Ghani nhưng rồi lại di tản đầu tiên khỏi Afghanistan.

Atta Mohammad Noor thuộc đảng Jamiat-e-Islami nói: "Nếu tôi hết đạn, tôi bị bắt... thì không một lực lượng nào có thể khiến tôi sống. Tử vì đạo là niềm tự hào của tôi".

Những người dân Afghanistan có trao đổi với Tolo News cho rằng hành động đào tẩu nói trên là điều không nên làm với đất nước này và những vị lãnh đạo bỏ chạy đó thật đáng xấu hổ./.