Ngày 28/8, chính phủ Syria đã đề nghị Tổng thư ký LHQ - Ban Ki-moon ra lệnh cho nhóm chuyên gia về vũ khí hóa học đang có mặt ở Damascus điều tra thêm 3 vụ tấn công của phe nổi dậy, mà trong đó các binh sỹ quân đội chính phủ bị cho là đã hít phải khí độc.
Đại sứ Syria tại LHQ - Bashar Ja'afari cho biết: “Chất độc mà các nhóm khủng bố sử dụng trong các vụ tấn công xảy ra ở ngoại ô Thủ đô Damascus vào ngày 22, 24 và 25/8 vừa qua gần với khí Sarin. Hàng chục binh sỹ quân đội chính phủ Syria đang phải điều trị trong bệnh viện vì loại khí độc này. Các nhóm khủng bố này có được vật liệu sản xuất vũ khí hóa học từ các nước bên ngoài, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar”.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fogh Rasmussen hôm 28/8 cũng cho rằng, nhiều nguồn tin khác nhau đều chứng tỏ Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
Ông Rasmussen nhấn mạnh, đây là hành động trái với luật pháp quốc tế, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO không đề cập phương án can thiệp quân sự vào Syria. Ông cũng khẳng định, NATO hoàn toàn ủng hộ LHQ tiếp tục điều tra làm rõ các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Trong khi đó, NATO sẽ tiếp tục “theo dõi chặt chẽ” những diễn biến ở Syria.
NATO tham gia vào các chiến dịch không kích Lybia năm 2011 theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc họp hôm 28/8 của đại sứ các nước NATO ở Brussels (Bỉ) không thảo luận về khả năng liên minh quân sự này sẽ ra tay vào thời điểm hiện tại./.