Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump để Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton ra đi là điều khó tránh. Bởi trước đó hai bên đã có nhiều quan điểm khác biệt về các vấn đề như Afghanistan, Triều Tiên, Venezuela.
Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: BBC. |
Tuy nhiên, bất đồng nghiêm trọng nhất là về Iran. Ông Bolton ủng hộ từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Obama và muốn gây sức ép tối đa với các nhà lãnh đạo Iran. Hồi đầu năm 2019, ông Bolton đã cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, thuyết phục Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria để đối phó với Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.
Tổng thống Trump cũng ủng hộ lập trường gây sức ép tối đa, nhưng sau đó ông đã tính đến giải pháp ngoại giao với Iran. Tại Hội nghị G7 ở Pháp vào tháng 8 vừa qua, ông Trump đã cắt giảm các điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Iran từ 12 yêu cầu còn 3 yêu cầu. Song song với việc để ngỏ cánh cửa đàm phán, ông Trump đã suy nghĩ về ý tưởng này một cách cởi mở và thương xuyên hơn.
Triển vọng về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã được đưa ra trong cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin vào hôm qua (10/9). Khi được hỏi liệu có khả năng Tổng thống Trump gặp ông Rouhani cuối tháng 9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hay không, ông Pompeo nói: “Chắc chắn. Tổng thống đã thể hiện rõ quan điểm. Ông ấy chuẩn bị gặp gỡ nhà lãnh đạo Iran mà không đưa ra điều kiện tiên quyết”.
Đến thời điểm hiện tại, phía Iran vẫn chưa đồng ý với việc xúc tiến bất cứ cuộc gặp nào như vậy. Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết, Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi diễn ra sự kiện này. Cần phải nhắc lại rằng ông Rouhani đã đề nghị đối thoại với cựu Tổng thống Barack Obama – người luôn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran suốt nhiệm kỳ của ông, thông qua một cuộc điện đàm ngắn gọn.
Trump muốn tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Iran?
Sự ra đi của Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton có thể mở đường cho Tổng thống Trump thực hiện mong muốn tổ chức Hội nghị Thượng định Mỹ-Iran. Một số ý kiến cho rằng, Ngoại trưởng Iran Zarif đã khiến ông Bolton trở thành tâm điểm trong chiến dịch tuyên truyền của mình. Ông Zarif đã đổ lỗi cho ông Bolton chứ không phải Tổng thống Trump, vì những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran.
Hôm 10/9, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mỹ-Iran Jamal Abdi đã ca ngợi Tổng thống Trump: “Chúng tôi chúc mừng Tổng thống đã đưa ra quyết định tốt nhất trong nhiệm kỳ của ông. Đây là động thái duy nhất giúp làm giảm khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới, khốc liệt tại Trung Đông”. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Rand Paul cũng đề xuất sử dụng bộ phận do ông phụ trách làm kênh kết nối với Iran để giúp thiết lập các cuộc đàm phán.
Một số ý kiến khác nhận định, sẽ là điều vô lý khi cho rằng, ông Bolton – người làm việc trong chính quyền Tổng thống Trump chưa đầy một năm rưỡi, phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng giữa Washington và Tehran. Vấn đề ở chỗ Mỹ nên làm gì với quốc gia “luôn trong tình trạng đối đầu này”.
Đây là lý do tại sao sự thất vọng của Tổng thống Trump với ông Bolton được coi là điều trớ trêu. Trước đó, vào năm 2017, Tổng thống đã tổ chức một loạt cuộc họp với ông Bolton để bàn đến khả năng rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, thông qua Tướng H.R.Master – lúc đó đang đảm nhiệm vai trò Cố vấn an ninh quốc gia. Tuy nhiên ông Master muốn giữ lại thỏa thuận và gây sức ép đối với các đồng minh châu Âu để tái đàm phán thỏa thuận, khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn.
Giờ đây, có vẻ như Tổng thống Trump đang hối hận. Dù ông không bao giờ thừa nhận điều đó, nhưng về cơ bản ông đang thúc đẩy một sự mặc cả tương tự như điều mà ông đã chỉ trích Tổng thống Obama khi ông Obama đàm phán với Iran. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Trump được quyền chỉ định một Cố vấn an ninh quốc gia mới – người sẽ chia sẻ quan điểm mới của ông và bất cứ ai đảm nhiệm công việc này sẽ vẫn “an toàn” cho đến khi Tổng thống thay đổi quyết định./.