Không nhận được những lời lẽ ủng hộ “mạnh mẽ” từ một số nước Đồng minh phương Tây và khu vực, Saudi Arabia không thể tiến hành các biện pháp trừng phạt “đơn phương” đối với Iran – quốc gia mới đây được cho là có hành động “gây chiến trực tiếp” đối với nước này. Do vậy, Saudi Arabia hôm 12/11 đã đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc họp “đặc biệt” trong Liên đoàn Arab (AL), nhằm thảo luận riêng về những vi phạm của Iran trong khu vực.

ngoai_truong_saudi_nlri.jpg
Ngoại trưởng Saudi Arabia al-Jubeir. Ảnh: Sputnik.

“Đã là quá đủ để tiến hành thêm một cuộc xung đột mới tại khu vực Trung Đông” – đó là quan điểm của nhiều nước khi nói về những căng thẳng mới đây giữa Saudi Arabia và Iran, trong đó có cả Mỹ, Ai Cập – hai quốc gia được xem là đồng minh thân thiết của Saudi Arabia. Tuy nhiên, dường như đây không phải là điều Saudi Arabia mong muốn. Giới chức Saudi Arabia hôm qua (12/11) đã đề xuất với Liên đoàn Arab - một tổ chức mà nước này có nhiều đồng minh ủng hộ, tổ chức một cuộc họp “đặc biệt” cấp Ngoại trưởng để thảo luận riêng về các sai phạm của Iran trong khu vực. Đề xuất ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Djibouti, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Arab và dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 19/11 tới.

Giới phân tích nhận định, tất cả những diễn biến “nóng” gần đây tại Trung Đông như Thủ tướng Lebanon từ chức, việc phiến quân Houthi tại Yemen bắn tên lửa hướng tới Riyadh hay việc phá hủy đường ống dẫn dầu chính của Baranh nối với Saudi Arabia ngày 10/11 vừa qua, Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh đều đổ lỗi Iran. Vốn đã có quá nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong quá khứ, kể cả về tôn giáo lẫn chính trị, chưa bao giờ Saudi Arabia lại công kích Iran “mạnh mẽ” như thời điểm hiện nay. Nhiều quan ngại cho rằng, Saudi Arabia đang mong muốn “trừng phạt” Iran nhiều hơn nữa, thậm chí không ngần ngại sử dụng một giải pháp quân sự đối với nước này – Điều mà Mỹ, đồng minh của Saudi Arabia chưa làm.

Quan ngại này hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây muốn cân nhắc lại thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015, nhằm áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” đối với nước này. Tuy nhiên, các cường quốc nằm trong thỏa thuận hạt nhân (gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận và Mỹ vẫn chưa thể mạnh tay với Iran. Song Saudi Arabia dường như đang muốn làm điều này thay cho đồng minh Mỹ của mình, bởi điều này cũng có lợi cho nước này khi thể kìm chân được một “kình địch” trong khu vực.

Tuy nhiên, dù Saudi Arabia tuyên bố “không cam chịu khoanh tay” nếu Iran tiếp tục vi phạm “mọi luật lệ và các quy tắc quốc tế”, song vẫn có ý kiến cho rằng nước này khó có thể tiến hành một cuộc chiến mới với Iran trong tương lai gần. Bởi thực tế là Saudi Arabia vẫn đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến tại Yemen, hơn nữa, quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông này đang phải xử lý nhiều vấn đề quan trọng nội bộ, đó chính là cuộc chiến chống tham nhũng “gây tranh cãi” nhằm vào nhiều nhân vật hoàng gia. Tuy nhiên, Saudi Arabia hoàn toàn có thể hợp tác với Liên đoàn Arab để đưa ra các biện pháp trừng phạt với Iran.

Quan điểm trên được bảo vệ bởi những diễn biến mới nhất  liên quan đến việc Thủ tướng Lebanon Al-Hariri từ chức với lý do Iran đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Hôm qua (12/11), ông Hariri tuyên bố sẽ sớm về nước để giải quyết vấn đề, khi ông được đảm bảo an toàn: “Tôi sẽ trở lại Lebanon. Tôi có thể trở lại ngay trong tối nay hoặc ngày mai, nếu các bạn không muốn tôi được đảm bảo an toàn. Tôi sẽ trở lại trong vòng hai hoặc ba ngày tới”.

Việc ông Hariri từ chức vốn được xem là “cái cớ” để Saudi Arabia bóc mẽ Iran, song những diễn biến mới này có thể khiến tình hình “hạ nhiệt”. Ông Hariri cho biết, Lebanon đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến giữa các nước trong khu vực và lực lượng Hezbollah tại Lebanon do Iran hậu thuẫn cần phải hiểu rõ điều này và tôn trọng chính sách “tách ra khỏi các xung đột” của nước này.

Trong khi đó, Ai Cập - thành viên quan trọng của Liên đoàn Arab, dù lên tiếng ủng hộ Saudi Arabia cũng không muốn nước này sử dụng giải pháp quân sự với Iran. Thêm vào đó, Qatar, quốc gia đang bị Saudi Arabia bao vây và cấm vận, dự đoán sẽ bảo vệ Iran trong cuộc họp lần này bởi mối quan hệ đang “ấm lên nhanh chóng” giữa hai nước kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hồi đầu tháng 6 vừa qua./.