Triều Tiên hôm 19/2 đã tái khẳng định vụ thử hạt nhân hồi tuần trước là nhằm mục đích phòng vệ, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi tiếp theo sau vụ thử hạt nhân này, nếu Mỹ tiếp tục thực hiện các biện pháp thù địch với Triều Tiên.
Hãng tin Reuters dẫn lời đại diện Triều Tiên tại Hội nghị giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc, ông Jon Yong Ryong cho biết, mục đích của cuộc thử nghiệm hạt nhân là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và là biện pháp đáp trả đầu tiên của nước này trước các mối đe dọa từ Mỹ, nước đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên.
Ông này nói, nếu Mỹ thực hiện cách tiếp cận thù địch đối với Triều Tiên và khiến cho tình hình thêm phức tạp thì Triều Tiên có thể tiến hành các bước đi tiếp theo nhằm đáp trả Mỹ. Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng cảnh báo những động thái thất thường của Hàn Quốc chỉ báo hiệu “sự hủy diệt cuối cùng” đối với nước này.
Tên lửa Triều Tiên (ảnh: sourcefednew) |
Tuyên bố trên của nhà ngoại giao Triều Tiên đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và Anh. Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Joanne Adamson và đại sứ Mỹ Laura Kennedy cho rằng tuyên bố của Triều Tiên mang tính chất khiêu khích và rất đáng lo ngại, bởi đây là những ngôn từ không phù hợp với các mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang theo đuổi.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt tăng cường đối với Triều Tiên, đồng thời hạn chế khả năng giao thương của quốc gia này. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu vào ngày 19/2, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-pak cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các biện pháp cấm vận và cô lập ngày càng ngặt nghèo nếu tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, Nga cùng ngày đã khẳng định sẽ phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Triều Tiên.
Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố nước này không chấp nhận bất kỳ biện pháp nào gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Triều Tiên. Ông Gatilov bày tỏ tin tưởng Trung Quốc cũng có cùng quan điểm này với Nga. Thứ trưởng Gatilov cho rằng mục tiêu cần theo đuổi là nối lại đàm phán 6 bên và Nga vẫn giữ quan điểm cần có dàn xếp ngoại giao cũng như chính trị cho vấn đề này.
Cùng quan điểm này, ông Yoo Young-jae, lãnh đạo một nhóm biểu tình chống chiến tranh tại Hàn Quốc cho rằng: “Chúng tôi kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại song phương và các cuộc đàm phán. Washington cần phải dỡ bỏ các chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Còn Bình Nhưỡng cần phải từ bỏ chương trình hạt nhân.”
Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt sẽ không thể khiến Triều Tiên thay đổi quan điểm của mình mà sẽ chỉ gây thêm khó khăn cho đời sống kinh tế của người dân nước này. Họ cho rằng thay vì chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ, Hàn Quốc và phương Tây cần kiềm chế và tiến đến đàm phán nhằm tạo cơ hội ngoại giao thực sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên./.