EU sẽ hạn chế khả năng giao thương của quốc gia này. Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành cuộc tập trận 6 ngày được cho là nhằm đối phó với Triều Tiên. Đây được cho là những động thái nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 3 diễn ra hồi tuần trước của Triều Tiên.
Bà Catherine Ashton và Ngoại trưởng Hà Lan Radoslaw Sikorsk tại Hội nghị. (ảnh: EU) |
Theo giới chức ngoại giao EU, các biện pháp trừng phạt này có phạm vi từ các lệnh trừng phạt tài chính tới các lệnh cấm đi lại cũng như các lệnh phong tỏa tài sản đối với các cá nhân của Triều Tiên.
Theo đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí mở rộng biện pháp trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 1 vừa qua, nhằm cản trở các giao dịch của Triều Tiên đối với trái phiếu chính phủ, vàng, kim loại quý và kim cương.
Lệnh trừng phạt mới nhằm vào các thành phần có thể được sử dụng trong tên lửa đạn đạo, như một số loại nhôm được dùng trong hệ thống liên quan đến tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, các ngân hàng Triều Tiên cũng sẽ bị cấm mở chi nhánh mới tại EU và các ngân hàng châu Âu sẽ không được mở chi nhánh mới tại quốc gia này.
Phát biểu tại cuộc họp các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu tại Bỉ vào ngày 18/2, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhấn mạnh, việc EU đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên là câu trả lời cho chương trình hạt nhân của nước này.
Ông Guido Westerwelle cho rằng, động thái của Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa với khu vực mà còn là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu: “Biện pháp trừng phạt với Triều Tiên đã được củng cố và một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh, nó không phải là trung tâm các cuộc thảo luận của EU khi một việc gì đó bất ngờ xảy ra làm sốc cả thế giới. Đối với EU, điều này rất quan trọng khi nó xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Đây không còn là vấn đề khu vực nữa mà còn liên quan đến vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Trước đó hôm 22/1, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra lệnh mở rộng trừng phạt đối với Triều Tiên, đồng thời đưa thêm vào danh sách trừng phạt của Liên Hợp Quốc gồm cơ quan vũ trụ, 1 ngân hàng, 4 công ty thương mại và 4 cá nhân của Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này tiếp tục duy trì cảnh giác cao và giám sát chặt chẽ mọi dấu hiệu về khả năng Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hay khiêu khích quân sự.
Phía Hàn Quốc cũng cho biết, nước này và Mỹ bắt đầu tiến hành một cuộc tập trận hải quân kéo dài 6 ngày bắt đầu từ hôm nay để kiểm tra khả năng sẵn sàng tham chiến của liên quân.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ban bố tình trạng báo động nhằm theo dõi các dấu hiệu can thiệp của Triều Tiên vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25/2 tới.
Liên quan việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận biện pháp trừng phạt Triều Tiên, hôm 18/2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc đã ra tuyên bố và trình bày lập trường kiên quyết phản đối Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân.
Ông nói: “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối kiên quyết đối với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng, việc xem xét vấn đề liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải có lợi cho phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và giữ gìn hoà bình, ổn định của khu vực. Trung Quốc sẵn sàng duy trì tiếp xúc và trao đổi với các bên trong vấn đề này”.
Ông Hồng Lỗi cũng phủ nhận thông tin mà hãng tin Reuters của Anh nói rằng, Triều Tiên đã thông báo với Trung Quốc về sẽ lại tiến hành vụ thử hạt nhân trong năm nay. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi các bên liên quan không áp dụng hành động có thể làm cho tình hình xấu đi./.