Mười một Bộ trưởng Cộng hòa Cyprus vừa đệ đơn lên Tổng thống Demetris Christofias xin từ chức trong bối cảnh liên minh chính phủ tan rã và Cyprus đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế và căng thẳng chính trị.

Mọi sự xuất phát từ 1 vụ nổ của gần 100 container chứa hàng tấn thuốc súng hôm 11/7 vừa qua tại căn cứ hải quân Evangelos Florakis ở miền Nam Cộng hoà Cyprus, khiến 13 người thiệt mạng và làm nhà máy điện Vassiliko, nhà máy lớn nhất quốc đảo, cung cấp hơn một nửa sản lượng điện cho nước này, ngừng hoạt động.

Nhà máy điện hư hỏng đã làm cho đời sống của người dân và nền kinh tế của Cộng hoà Cyprus bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng từ sự vụ ấy, suốt những ngày qua, tối nào cũng có hàng nghìn người tụ tập bên ngoài dinh tổng thống đòi ông Christofias từ chức. Rối loạn chính trị cũng từ đó nảy sinh.

Lý do khiến nhiều người dân đảo quốc này lập tức biểu tình phản đối Chính phủ và đòi Tổng thống Christofias từ chức là bởi khi tiến hành điều tra nguyên nhân vụ nổ, một số thông tin được tiết lộ rằng có ít nhất 5 bộ trưởng biết trước việc 98 container chứa hàng tấn thuốc súng để ngoài trời, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, nhưng đã không có biện pháp phòng ngừa.

Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Cyprus, các container thuốc súng và thuốc nổ được lưu giữ ở căn cứ Hải quân này khi chính quyền Cyprus thu giữ 1 chiếc tàu mang cờ Cyprus trên hành trình từ Iran tới Syria hồi tháng 2/2009. Chiếc tàu này đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi trên tàu chở những “vật liệu có thể được sử dụng để sản xuất đạn dược”.

Ngay khi vụ nổ xảy ra, Bộ trưởng Quốc phòng Cyprus và Tư lệnh Cận vệ quốc gia đã đệ đơn xin từ chức. Rồi ít ngày sau đó, Ngoại trưởng  Marcos Kyprianou cũng đệ đơn xin từ chức khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Thiệt hại kinh tế do vụ nổ gây ra lớn đến mức người điều hành Ngân hàng Trung ương Cyprus đã phải cảnh báo rằng, Cyprus có thể trở thành quốc gia thứ tư của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần đến sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Với sự từ chức của nhiều quan chức cấp cao như Bộ trưởng Quốc Phòng, Ngoại giao rồi lại đồng loạt hơn một chục bộ trước khác trong Chính phủ của Tổng thống Christofias càng khiến tình hình chính trị ở nước Cộng hoà này trở nên hết sức nguy hiểm.

Cộng hòa Cyprus là một quốc đảo tương đối đặc biệt bởi những điều kiện lịch sử, địa lý. Nhiều năm qua vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì nay lại phải đối mặt với tình trạng căng thẳng nội bộ này.

Theo Hiến pháp, Tổng thống là người đứng đầu chính phủ. Tổng thống hiện nay, ông Dimitris Christofias thuộc Đảng Tiến bộ của Tầng lớp Lao động được bầu trong một cuộc bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ngày 17/2/2008. Thắng lợi này khiến Cyprus trở thành một trong ba quốc gia duy nhất trên thế giới có một chính phủ cộng sản cầm quyền trong chế độ đa đảng và được bầu cử dân chủ. Hai nước kia là Moldova và Nepal. Và Cyprus cũng là quốc gia thành viên EU duy nhất hiện nằm dưới sự lãnh đạo của phái cộng sản.

Mặc dù theo Hiến pháp Cộng hoà Cyprus, các bộ trưởng vừa đệ đơn từ chức vẫn sẽ phải tiếp tục thực thi trách nhiệm của mình cho đến khi Tổng thống Christofias thông qua các quyết định bổ nhiệm mới, nhưng tình hình Cyprus vẫn đang như một thùng thuốc súng sắp nổ. Có thông tin cho rằng, trong những ngày tới, số người tham gia các hoạt động phản đối chính phủ của Tổng thống Christofias sẽ còn tăng mạnh.

Bối cảnh này cũng khiển Chủ tịch Quốc hội Cyprus Yiannakis Omirou đã phải thốt lên rằng đây là cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất ở nước này kể từ năm 1974./.