Ngày 1/10, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tiếp tục tiến hành các đợt không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.
Cùng ngày, lực lượng người Kurd ở Iraq đã đẩy lùi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi cửa khẩu chiến lược ở biên giới với Syria dưới sự hậu thuẫn của các thành viên một bộ tộc người Sunni. Đây được coi là thắng lợi đầu tiên của cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo kể từ khi Mỹ bắt đầu không kích nhóm khủng bố này.
Theo một quan chức quân đội Anh, ngày 1/10, máy bay tiêm kích của Anh tiếp tục thực hiện thêm các cuộc không kích và phá hủy một số trang bị vũ khí hạng nặng của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, phía Anh cho biết, đây chỉ là hành động hỗ trợ lực lượng của chính phủ Iraq mà không cung cấp thông tin chính xác về thời gian và địa điểm tấn công.
Ông Chaz Kennet, chỉ huy chiến dịch không kích của Anh cho biết:“Sau cuộc không kích ngày 1/10, máy bay của lực lượng không quân Hoàng gia Anh đã tiếp tục tiến hành các cuộc không kích khác. Hai máy bay GR4s Tornado đã thực hiện nhiệm vụ trinh sát nhằm hỗ trợ của các lực lượng của chính phủ Iraq ở khu vực phía Tây thủ đô Baghdad.
Họ được giao nhiệm vụ kiểm tra một địa điểm nghi ngờ là cơ sở chỉ huy của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Các máy bay đã xác định được các hoạt động của nhóm nhà nước Hồi giáo và hai phương tiện, trong đó có một chiếc xe bán tải vũ trang. Cuộc không kích đã phá hủy phương tiện này”.
Cuộc không kích của Anh tại Iraq đã đánh dấu sự trở lại của nước này trong việc can dự quân sự ở Iraq kể từ khi rút binh sĩ khỏi đây năm 2011. Chính phủ Anh tuyên bố không đưa bộ binh tham chiến ở Iraq và không tham gia không kích ở Syria mà không được quốc hội ủng hộ.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết, các máy bay chiến đấu của Mỹ trong vòng 24 giờ qua đã tiếp tục thực hiện khoảng 20 cuộc các cuộc không kích cả ở Syria lẫn Iraq.
Cùng lúc này, lực lượng người Kurd ở Iraq đã đẩy lùi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo khỏi cửa khẩu chiến lược Rabia ở biên giới với Syria dưới sự hậu thuẫn của các thành viên một bộ tộc người Sunni.
Một chỉ huy người Kurd cho biết: “Lực lượng của chúng tôi đã giải phóng 9 ngôi làng tại phía Tây Nam thị trấn Tuz Khurmato và đã đánh đuổi được những tên khủng bố ra khỏi đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nắm quyền kiểm soát các cửa khẩu Rabia giáp biên giới với Syria trong một trận chiến trước bình minh.”
Rabia là nơi qua lại quan trọng nhất ở biên giới giữa Iraq và Syria. Có được thành công này một phần là nhờ sự hậu thuẫn của bộ tộc Shammar, một trong những bộ tộc có ảnh hưởng và lớn nhất ở Tây Bắc Iraq.
Bộ lạc Sama ở Rabia cũng tuyên bố, toàn bộ cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni lớn nhất miền Tây Bắc Iraq sẽ tham gia chiến đấu cùng với người Kurd. Theo một thành viên có thế lực của Sama, đây là kết quả của một thỏa thuận giữa bộ lạc này với khu tự trị người Kurd sau ba tháng đàm phán, nhằm liên kết lực lượng để đối phó với "kẻ thù chung" là nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Như vậy, sau khi để mất Rabia, nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ khó khăn hơn khi hoạt động ở cả hai bên biên giới. Cửa khẩu này kiểm soát đường quốc lộ chính nối Syria với thành phố Mosul lớn nhất miền Bắc Iraq đang nằm trong tay nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Từ trước đến nay, nhóm Nhà nước Hồi giáo có lợi thế chiến thuật ở cả hai bên biên giới nhờ có thể đi lại tự do qua Rabia. Chúng mang vũ khí hạng nặng cướp được từ binh sĩ Iraq sang Syria để mở rộng lãnh thổ ở đây.
Việc giành được thị trấn Rabia có thể coi là thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo kể từ khi Mỹ bắt đầu không kích nhằm vào nhóm này tại Iraq./.