Hôm qua (28/9), quân đội Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục tấn công dồn dập các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Mặc dù các cuộc không kích đã ngăn bước tiến của Nhà nước Hồi giáo cũng như tàn phá một số cơ sở hạ tầng của tổ chức cực đoan này, song chính quyền Mỹ thừa nhận chưa có gì đảm bảo thắng lợi trong cuộc chiến này.

phien_quan_is_thach_dau_kygl.jpgPhiến quân IS thách đấu với quân đội Mỹ (ảnh: BBC)
Hôm qua (28/9), máy bay chiến đấu của Mỹ và liên quân đã oanh tạc xuống các địa điểm ở 3 thành phố của Syria, trong đó có một số cơ sở lọc dầu ở tỉnh Raqqa. Việc các cơ sở lọc dầu bị tàn phá đã đẩy giá dầu ở Syria tăng cao. Tại tỉnh Aleppo, giá dầu đã tăng gấp đôi.

Trong bối cảnh khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ bị giội bom, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã  yêu cầu thành lập vùng đệm quốc tế nhằm cách ly chiến sự ở Syria với vùng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn 50 nước ở châu Âu, châu Á và Arab đã đồng ý tham chiến hoặc hỗ trợ hậu cần cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu. Hôm qua (28/9), các máy bay chiến đấu của Anh đã bắt đầu tiến hành các chuyến bay trinh sát ở Iraq ngay sau khi quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch tham chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo là một phần trong chiến lược dài hơi chống chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng trỗi dậy: “Chiến lược của chúng tôi không đơn thuần chỉ là việc thả bom từ trên máy bay để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Đó chưa phải là cách giải quyết vấn đề. Đó mới chỉ là một phần của chiến lược tổng thể nhằm xây dựng một nước Iraq có chính phủ dân chủ. Syria cũng cần những điều tương tự như thế”.

Liên minh do Mỹ đứng đầu ngày càng lớn, song điều đó không có nghĩa là chiến thắng đang gần kề. Hôm qua (28/9), Mặt trận Al Nusra (nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda tại Syria lên án các cuộc không kích tại Syria là "cuộc chiến chống lại đạo Hồi", đồng thời thề sẽ trả đũa các nước phương Tây và Arab tham gia vào chiến dịch này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ ra sai lầm của Mỹ là loại chính quyền Syria ra khỏi cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến. Ông cho rằng, bất cứ hành động nào trên phạm vi toàn cầu, kể cả sử dụng vũ lực, nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố, đều phải được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông chỉ trích Mỹ “can thiệp quân sự” để bảo vệ các lợi ích của riêng mình: “Tôi rất tin tưởng, Mỹ sẽ nhận ra rằng không nên đơn phương hành động ở bất kì nơi nào, với vai trò vừa là công tố viên, vừa là thẩm phán, vừa là người thực thi pháp luật. Mỹ cần nhận ra rằng, không thể đơn phương hành động và làm mọi thứ một mình.”  

Các chuyên gia quân sự Mỹ cũng thừa nhận, tác động của các cuộc không kích chống Nhà nước Hồi giáo chưa được xác định rõ, trong khi, Nhà nước Hồi giáo đã nhận được sự ủng hộ của các phần tử Hồi giáo từ các nhóm đối lập trước đây. Hàng chục tay súng đã rời bỏ Mặt trận al-Nusra và các nhóm cực đoan khác ở Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (28/9), cũng thừa nhận sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán của tình báo Mỹ. Những sai lầm của Mỹ ở Iraq và những đánh giá thấp về cuộc nội chiến Syria đã biến 2 quốc gia này trở thành “vùng an toàn của các tay súng Hồi giáo thánh chiến trên khắp thế giới".

Tổng thống Mỹ còn thừa nhận các tuyên truyền viên của Nhà nước Hồi giáo đã hoạt động rất hiệu quả trong việc sử dụng truyền thông xã hội để tuyên truyền và tuyển mộ tân binh từ châu Âu, Mỹ, Australia và các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số. Từ những sai lầm của mình, Mỹ giờ đây phải đối mặt với một tổ chức không chỉ đơn thuần là một mạng lưới khủng bố, mà là một tổ chức với những tham vọng về lãnh thổ, có chiến thuật và chiến lược của một quân đội.

>> Xem thêm: IS vận hành quy củ như một chính phủ hiện đại

Tổng thống Mỹ thừa nhận một giải pháp bền vững phải bao gồm các biện pháp chính trị. Những cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ các vùng lãnh thổ và triệt phá các nguồn lực, song cần phải có những biện pháp để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa hai cộng đồng Hồi giáo Sunni và Shiite, nguyên nhân gây ra nhiều cuộc xung đột tại Iraq, Syria./.