Mỹ gần đây tăng cường các cuộc không kích nhằm tiêu diệt nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Nhiều nước lên tiếng ủng hộ cho một liên minh rộng lớn do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến đối phó với IS. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Trung Đông lại đang đặt câu hỏi về động cơ cũng như hiệu quả trong chiến dịch của Mỹ nhằm vào nhóm phiến quân này tại Iraq và Syria. 

aleppo_syria_011_udnz.jpg Những tòa nhà ở Syria vỡ vụn sau trận không kích của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Các cuộc không kích của Mỹ bắt đầu tại Iraq đang mở rộng sang Syria nhằm vào nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Kể từ khi các cuộc không kích của Mỹ bắt đầu, Thủ đô Baghdad của Iraq chứng kiến nhiều cuộc tấn công hơn. Hơn 60 dân thường thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong 10 ngày qua, do các vụ tấn công trả thù của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Baghdad. Các chuyên gia phân tích Iraq lo ngại rằng, việc mở rộng các cuộc không kích của Mỹ có thể khiến các phần tử của nhóm Nhà nước Hồi giáo quay trở lại thủ đô, gây bất ổn an ninh.

Chuyên gia phân tích chính trị Iraq Mohammed Al-Khalidi cho biết: “Các cuộc không kích của Mỹ có thể phá hủy một phần quyền lực quân sự của nhóm khủng bố. Tuy nhiên, điều này có thể buộc chúng quay trở lại thành phố và tiến hành các vụ tấn công trả thù. Những cuộc không kích này cũng thực sự cho thấy sự thiếu hợp tác giữa các nước, nên có thể sẽ thất bại”.

Chính phủ Syria hiện cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào nhóm phiến quân trên lãnh thổ nước này. Ngoại trưởng Syria cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng giúp Mỹ đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng cảnh báo Mỹ bất cứ cuộc không kích nào trên lãnh thổ Syria mà không có sự đồng thuận của Damacus sẽ được coi là một hành động gây hấn.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Damacus Bassam Abu Abdullah cho rằng, các cuộc không kích của Mỹ không thể thành công nếu không có sự hợp tác trên mặt đất từ phía chính quyền Syria. Ông Bassam Abu Abdullah nói: “Chiến dịch của Mỹ cần sự hợp tác của chính quyền Damacus. Nếu chỉ thực hiện chiến dịch trên không của Mỹ sẽ không có hiệu quả. Nhóm khủng bố có thể trà trộn vào đám dân thường và thay đổi địa điểm của họ. Các cuộc không kích sẽ dễ dàng gây ra thương vong cho dân thường, điều mà chúng ta cần phải cố gắng tránh”.

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh, “sai lầm chiến lược” của phương Tây tại Trung Đông, Trung Á và Caucasus đó là biến những khu vực này của thế giới trở thành “thiên đường” cho chủ nghĩa khủng bố và những kẻ cực đoan.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích Iran cũng cho rằng, Mỹ đang cố gắng can thiệp vào cuộc nội chiến Syria thông qua chiến dịch đối phó với nhóm cực đoan. Cuộc chiến chống khủng bố đang là lời bào chữa cho mục đích của Mỹ tại Syria. Tại Jordan, ngày càng có nhiều người nói “không” với các cuộc không kích của Mỹ.

Mặc dù tuyên bố đã có tới 40 nước cùng liên minh chống Nhà nước Hồi giáo nhưng cuộc chiến của Mỹ chống nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng đối mặt với không ít thách thức, khi chính những nước được coi là đồng minh lớn của Mỹ như Anh và Pháp cũng đều không “kề vai sát cánh” đến cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Pháp và Anh đều ủng hộ tham gia kế hoạch của Mỹ tại Iraq, nhưng đều bác bỏ ý định tham gia không kích tại Syria. Điều này đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả trong cuộc chiến chống IS của Mỹ, khi nước này cũng đang đau đầu giải bài toán tài chính trong cuộc chiến, có thể “đốt” tới 7,5 triệu USD một ngày ./.