Burkina Faso đã bổ nhiệm một trung tá quân đội điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển giao, sau khi Tổng thống từ chức sau 27 cầm quyền do các buộc biểu tình bạo lực chống lại việc ông có ý định tiếp tục tại nhiệm.
Đây là lần thứ 7 một quan chức quân đội tiếp quản chức vụ người đứng đầu nhà nước tại Burkina Faso, kể từ khi nước này giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960. Tuy nhiên, các đảng phái đối lập tại Burkina Faso, Mỹ và Liên minh châu Phi đã tuyên bố bác bỏ việc tiếm quyền của quân đội tại quốc gia Tây Phi này.
Các tướng lĩnh quân đội cấp cao của Burkina Faso, lực lượng đã tiếm quyền sau khi lật đổ Tổng thống Blaise Compaore, cho biết họ ủng hộ Trung tá Issac Yacouba Zida lên nắm quyền điều hành đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp của giới tướng lĩnh chóp bu nêu rõ: "Trung tá Zida đã được nhất trí lựa chọn lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp sau sự ra đi của Tổng thống Compaore".
Theo hiến háp Burkina Faso năm 1991, người đứng đầu Quốc hội sẽ lên nắm quyền trong trường hợp Tổng thống từ chức, với nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, quân đội nước này đã cho giải tán cơ quan lập pháp và đình chỉ hiến pháp.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi bổ nhiệm ông Zida lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo quân đội cho biết, việc hình thành và thời gian của tiến trình chuyển giao sẽ được quyết định trong một cuộc tham vấn với tất các phe phái trong xã hội.
Trung tá Zida là Phó chỉ huy lực lượng bảo vệ tổng thống. Trước đó, đích thân ông Zida cũng nói rằng ông sẽ đảm nhiệm các trách nhiệm của người đứng đầu quá trình chuyển tiếp nhằm đảm bảo quá trình này diễn ra êm thấm và duy trì sự vận hành của đất nước.
Ông Zida cam kết sẽ thành lập một "cơ quan chuyển tiếp" để khôi phục trật tự hiến pháp. Ông Zida cho rằng việc Tổng thống phải từ chức trong bối cảnh các buộc biểu tình bạo lực chỉ là một cuộc nổi dậy, chứ không phải một cuộc đảo chính. Trung tá Zida cũng kêu gọi Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi ủng hộ quá trình chuyển giao dân chủ tại nước này.
“Nhằm tránh tình trạng hỗn loạn, trở ngại cho mục tiêu dân chủ mạnh mẽ mà người dân, quân đội quốc gia đã đặt ra, đáp ứng lời kêu gọi của người dân, chúng tôi quyết định bắt đầu một tiến trình chuyển giao hướng tới dân chủ. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thân thiết với Burkina Faso, các thành viên của Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, hãy hỗ trợ người dân đất nước tôi trong thử thách này. Các cam kết của Burkina Faso đối với cộng đồng quốc tế sẽ không thay đổi”, Trung tá Zida nói.
Quân đội trung thành với ông Zida đã được triển khai tại khắp các điểm nhạy cảm ở Thủ đô vào tối 1/11, sau khi ông này tuyên bố nắm quyền, nhằm tránh xảy ra bạo loạn và đảm bảo sự thành công của một quá trình chuyển giao dân chủ. Sân bay đã được mở cửa trở lại, song biên giới vẫn bị đóng cửa.
Tuy nhiên, sau 2 ngày biểu tình lớn chống lại những nỗ lực tại nhiệm của Tổng thống Compaore, Thủ đô Uagadugu gần như đã yên ắng trở lại. Người dân Thủ đô bắt đầu dọn dẹp đường phố và trở lại cuộc sống bình thường.
Một người dân cho biết: “Đến thời điểm này, tôi cho rằng tình hình đã nhanh chóng lắng dịu. Trung tá Zida đã kiểm soát được tình hình. Người biểu tình cho rằng người nắm quyền cần phải là một nhân vật có tiếng tăm. Cuối cùng thì trung tá Zida đã lên nắm quyền và hầu hết người dân đều ủng hộ ông. Những thanh niên đã rời cuộc biểu tình”.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Tây Phi nghèo khó đang được Mỹ và Pháp theo dõi sát sao. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/11 ra tuyên bố lên án việc tiếm quyền của quân đội Burkina Faso và kêu gọi sự chuyển giao quyền lực dân sự ngay lập tức.
Washington cảnh báo có thể ngừng hợp tác quân sự với Burkina Faso. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Mỹ lên án nỗ lực của quân đội Burkina Faso nhằm áp đặt người dân quốc gia Tây Phi này. Trong một tuyên bố, Liên minh châu Phi đã kêu gọi quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.
Tuyên bố cho biết, Hội đồng hòa bình và an ninh thuộc khối 54 quốc gia Liên minh châu Phi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với sự vi phạm tiến trình dân chủ. Vấn đề này sẽ được các nước Liên minh châu Phi thảo luận vào ngày 3/11./.