Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (22/2) đã thông qua một Nghị quyết cho phép các đoàn viện trợ nhân đạo được tiếp cận với những khu vực bất ổn tại Syria. Các nước đều bày tỏ hoan nghênh sự thống nhất trong việc giải quyết vấn đề nhân đạo của cuộc khủng hoảng Syria sau các cuộc đàm phán đầy khó khăn. Tuy nhiên, giới ngoại giao ngay sau đó cũng lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của Nghị quyết này.

syria1.jpg
Hàng triệu người dân Syria đang cần đến sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế (Ảnh: TIME)

Liên Hợp Quốc cho biết, có khoảng 9 triệu người Syria - tương đương một nửa dân số Syria cần giúp đỡ. Nghị quyết yêu cầu tất cả các bên, đặc biệt là Chính phủ Syria  cho phép các đoàn cứu trợ được tiếp cận với người dân an toàn và nhanh chóng, dừng tất cả các vụ tấn công nhằm vào dân thường. Nga và Trung Quốc- hai nước đã 3 lần phủ quyết dự thảo một nghị quyết về Syria cũng nhất trí ủng hộ Nghị quyết này.  

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho hay, Nga ủng hộ cuộc bỏ phiếu bởi vì đây là một dự thảo cân bằng. Nghị quyết này không bao gồm lời cảnh báo trừng phạt nhằm vào chính phủ Syria.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, Trung Quốc thực sự lo ngại về tình hình nhân đạo đang xấu đi tại Syria. Trung Quốc hối thúc tất cả các bên tại Syria thực hiện Nghị quyết này một cách nghiêm túc.

Trong khi đó, Đại sứ Litva Raimonda Murmokaite - Chủ tịch tháng 2 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho rằng, sự thống nhất hành động trong việc thông qua Nghị quyết do Australia, Jordan và Luxembourg soạn thảo là một “thời điểm của hi vọng” cho người dân Syria.

Mặc dù đạt được sự thống nhất trong việc thông qua nghị quyết liên quan đến cuộc khủng hoảng nhân đạo Syria, nhưng nhiều nhà ngoại giao cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của Nghị quyết này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho rằng, nghị quyết chỉ là những từ ngữ, còn việc thực hiện mới là vấn đề khó khăn.

Bà Power nói: “Hội đồng Bảo an đã lên tiếng. Đây là thời điểm để thực hiện hành động đã trì hoãn quá lâu. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rất khó khăn mới thông qua được nghị quyết hôm nay. Tuy nhiên, điều khó khăn hơn đó là việc thực hiện nghị quyết. Thế giới cần phải thống nhất trong việc thực hiện nghị quyết để các cam kết không bị phá vỡ, không có sự trì hoãn, không có sự nhượng bộ đối với các hành động tấn công  nhằm vào dân thường”.

Dù khẳng định Chính phủ Syria sẽ nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến vấn đề nhân đạo, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari cũng thừa nhận, với một cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua thì việc thực thi một nghị quyết hoàn toàn không dễ dàng, nhất là khi các cuộc đụng độ tôn giáo và giáo phái vẫn đang diễn ra hàng ngày tại Syria.

Ông Ja'afari cũng đã kêu gọi quốc tế giúp chấm dứt “chủ nghĩa khủng bố” đang gia tăng tại quốc gia Trung Đông này. Ông nói: “Ủng hộ người dân Syria trong lĩnh vực nhân đạo cũng không thể hiệu quả nếu không đi kèm với chấm dứt chủ nghĩa khủng bố. Hoạt động của những nhóm vũ trang bao gồm cả các nhóm liên quan đến Al-Qaeda là lí do chính khiến vấn đề nhân đạo bị ảnh hưởng”.

Các nước phương Tây khẳng định sẽ tìm kiếm những biện pháp cứng rắn hơn nếu Nghị quyết không được thực hiện đầy đủ. Điều này có thể khiến các cường quốc chia rẽ hơn trong việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria một cách toàn diện, nếu Nghị quyết này "mở đường" cho các biện pháp gây sức ép nhằm vào chính quyền của Tổng thống Assad.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua 5 nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột ở Syria. Bên cạnh nghị quyết tiếp cận nhân đạo lần này, 3 nghị quyết được thông năm 2012 nhằm  ủng hộ một phái bộ quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria và một nghị quyết về dỡ bỏ vũ khí hóa học tại Syria hồi năm 2013./.