Tối 4/8/2020, có hai vụ nổ ở khu vực cảng Beirut, vụ đầu tiên tương đối nhỏ do pháo hoa bốc cháy, mà đội cứu hỏa đã đến dập tắt. Những đám khói khổng lồ đã thu hút một lượng lớn người tò mò đứng xem - những người đã chứng kiến vụ nổ thứ hai - giống như vụ nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật, mạnh đến mức tất cả các tòa nhà trong khu thương mại của thành phố và thậm chí cả sân bay, một số khu vực khác của thành phố, đều bị hư hại do sóng nổ.
Đến tối ngày 5/8, số người chết đã lên đến 135 người, và gần 5.000 người bị thương, theo số liệu thống kê chính thức. Có nhiều người nước ngoài nằm trong số những người thiệt mạng và bị thương. Theo một tờ báo ở Bangladesh, 4 công dân Bangladesh đã thiệt mạng và 101 người bị thương, trong đó có 21 quân nhân Hải quân Bangladesh đang ở Lebanon trong khuôn khổ phái bộ của Liên Hợp Quốc. Phu nhân Đại sứ Hà Lan tại Lebanon bị thiệt mạng, một nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Lebanon cũng bị thương do vụ nổ.
Nga đã phản ứng ngay lập tức, và chiếc máy bay đầu tiên đã đến Beirut ngay ngày hôm sau, chở đầy nhân viên cứu hộ, bác sĩ và các thiết bị đặc biệt. Thị trưởng Beirut gọi vụ việc là một thảm kịch quốc gia, và thủ tướng Lebanon đã tuyên bố để tang. Trong vài giờ đầu tiên sau khi vụ nổ xảy ra, mạng xã hội tràn ngập những nghi ngờ về Mỹ và Israel - những nước có hiềm khích và xung đột kéo dài với Lebanon.
Ấn phẩm Veterans Today của Mỹ đã lưu ý đến một vật thể lạ trong không trung phía trên các nhà kho của cảng trước vụ nổ thứ hai đã được camera ghi lại. Ngoài ra, dấu hiệu bức xạ của vụ nổ nhận được từ một nguồn của Italia cho thấy hoạt độ phóng xạ tăng đột biến. Một số ý kiến cho rằng Israel (có thể cùng với Mỹ) đã tấn công Lebanon bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những người phản đối giả thuyết này lập luận rằng, trong trường hợp như vậy, sẽ có một xung điện từ có thể tắt điện thoại di động của mọi người.
Nhưng vì clip được quay từ nhiều góc độ khác nhau, chứng tỏ giả thuyết về đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn là sai. Giả thuyết tiếp theo là khả năng sử dụng một loại đầu đạn khác để kích nổ một lượng lớn muối nitrat kim loại kiềm, bản thân nó, không thể tạo ra hiệu ứng lớn như vậy chỉ thông qua đánh lửa. Điều thú vị là giả thuyết này thậm chí còn được nhắc đến trên kênh truyền hình Mỹ CNN, khi cựu đặc vụ CIA Robert Baer lập luận bản thân amoni nitrat không thể tạo ra một vụ nổ như vậy.
Một hãng thông tấn Iran cũng đăng tải thông tin về hoạt động khả nghi của 4 máy bay do thám của Hải quân Mỹ trên bờ biển Lebanon - Syria vào tối 4/8. Máy bay không người lái của Israel cũng đã được phát hiện ở Beirut vài ngày trước khi vụ việc xảy ra. Một tuần trước, máy bay không người lái cũng được nhìn thấy bay vòng qua phía nam Lebanon, một trong số đó đã bị rơi, theo Hezbollah. Cần nhắc lại rằng, Lebanon có khả năng phòng không yếu nên Israel thường sử dụng không phận Lebanon để tiến hành các cuộc tấn công đường không vào Syria.
Sáng ngày 5/8, phiên bản chính thức của những gì đã xảy ra đã được công bố - công việc hàn đang được thực hiện tại Kho 12, từ đó các tia lửa đã đốt cháy pháo hoa. Một lúc sau, ngọn lửa cháy lan sang các túi amoni nitrat rồi phát nổ. Tổng cộng, kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, đã nhập cảng trên con tàu chở hàng Rhosus, mang cờ Moldova. Theo giấy tờ, hàng hóa được vận chuyển từ cảng Batumi (Georgia) đến Mozambique, nhưng vào năm 2013, nó đã dừng lại ở Beirut để nhận thêm hàng.
Con tàu sau đó đã bị cấm rời bến, một tòa án Lebanon đã giữ con tàu và hàng hóa của nó vì không thanh toán cảng phí. Thuyền trưởng và một số thuyền viên thủy thủ đoàn cũng bị giữ một thời gian dài, nhưng sau đó được cơ quan chức năng thả bổng. Igor Grechushkin - một công dân Nga đến từ Khabarovsk, hiện sống ở Cyprus - đã phó thác cả hàng hóa và thủy thủ đoàn cho số phận. Kể từ đó, hàng hóa đã được lưu trữ trong các nhà kho tại cảng.
Nhưng lập luận này đang bị phản bác bởi một phóng viên của kênh truyền hình Al-Manar, Ahmad Hajj Ali - người tin rằng amoni nitrat có điểm đến là các nhóm khủng bố ở Syria và hàng hóa vận chuyển được ủy nhiệm của các quốc gia quân chủ Arab ở Vịnh Ba Tư, vốn hành động theo lệnh của Washington. Điều này giải thích tại sao không tìm thấy chủ nhân của lô hàng dù nó có giá trị số tiền lớn như vậy.
Một câu hỏi khác được đặt ra - tại sao một khối lượng lớn hóa chất nguy hiểm đó lại được lưu giữ trong nhiều năm tại một đầu mối giao thông cực kỳ quan trọng và gần các hầm chứa ngũ cốc và các khu dân cư? Vấn đề là trong những năm gần đây, không có một chính phủ ổn định ở Lebanon - đất nước đã bị chao đảo bởi các vụ bê bối tham nhũng. Nhiều người trong số những người nắm quyền lạm dụng chức vụ, bị bắt và thay thế, bởi cả những người cũng ham tiền, dễ dãi và mạo hiểm, hoặc đơn giản là không thể kiểm soát tình hình.
Rất có thể có nhiều sản phẩm đáng ngờ khác được lưu trữ trong kho, chẳng hạn như chất thải hóa học hoặc hạt nhân. Rất có thể điều này giải thích cho sự gia tăng đột biến của hoạt độ phóng xạ. Trên thực tế, các nguồn tin ở Beirut đã cảnh báo rằng, chất thải phóng xạ từ châu Âu trước đây được chôn giấu ở Lebanon là trái với quy định của pháp luật. Các doanh nhân địa phương đã được trả một số tiền lớn cho việc này, nhưng việc tìm ra ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm, sẽ rất khó khăn.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do sự phân hóa chính trị và sự hiện diện của các điệp viên nước ngoài từ các quốc gia như Arab đến Israel và Mỹ tại Lebanon. Do đó, thông tin về vị trí chính xác của lượng amoni nitrat khổng lồ như vậy không phải là bí mật đối với cơ quan tình báo của họ. Nếu họ cần thực hiện một hành động phá hoại, thì đây là tình huống hoàn hảo để giúp che đậy dấu vết.
Và tất nhiên, người ta cũng có thể hỏi, ai được lợi từ tình huống như vậy? Cảng Lebanon tiếp nhận ít nhất 70% hàng hóa nhập khẩu của Lebanon. Cũng như các kho hàng, kho dược phẩm, một số có xuất xứ từ Iran, cũng bị đốt cháy. Vì đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt và trên bờ vực phá sản, một đòn giáng mạnh vào cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy của Lebanon sẽ khiến nước này phụ thuộc trực tiếp vào các nhà tài trợ nước ngoài.
Tờ Haaretz của Israel đã dự đoán rằng Lebanon có thể phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế và các cuộc bạo động xã hội, và các phương tiện truyền thông bảo thủ của Israel đã giải thích vụ nổ là một sự trừng phạt từ Đấng Tối cao cao và sự ứng nghiệm của những lời tiên tri báo trước sự xuất hiện của Đấng Mê-si, đồng thời, lưu ý rằng, các lực lượng vũ trang Israel không thể tấn công Beirut.
Ngay sau vụ nổ, Tổng thống Pháp Macron đã đến thăm Lebanon và bắn tín hiệu NATO có thể can thiệp. Trong lúc đó, tình hình xã hội ở Lebanon bắt đầu trở nên căng thẳng. Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và quân đội, chiếm tòa nhà Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan khác của chính phủ. Họ đã bị trục xuất khỏi các các cơ quan công quyền một thời gian ngắn sau đó, nhưng tình hình rất bất bình thường.
Có vẻ như các cuộc biểu tình, vốn được mô tả là một nỗ lực cho một cuộc cách mạng màu khác do phương Tây bảo trợ, có thể đang phôi thai, trong khi bản thân vụ nổ sẽ chỉ đơn giản là kích hoạt cho một cuộc nổi dậy. Một cuộc điều tra chi tiết về nguyên nhân của vụ nổ là rất cần thiết. Vài ngày sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Lebanon Michel Naim Aoun tuyên bố rằng sự can thiệp của lực lượng bên ngoài bằng cách sử dụng tên lửa hoặc bom là một khả năng./.