Vụ việc 2 nhà báo người Mỹ bị bắn chết vào ngày 26/8 tại bang Virginia đang gây rúng động dư luận nước Mỹ. Hai nạn nhân là phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, và quay phim Adam Ward, 27 tuổi làm việc cho đài truyền hình đài WDBJ7 (Roanoke, Virginia) bị bắn chết trong lúc đang ghi hình trực tiếp.
Nữ nhà báo Alison Parker, 24 tuổi, đang phỏng vấn trong chương trình truyền hình trực tiếp của đài WDBJ7 ở Virginia (Mỹ) hôm 26/8. Ảnh từ clip của WDBJ7. |
Theo thông tin từ cảnh sát, nghi phạm trong vụ xả súng này là Vester Flanagan 41 tuổi, một gười Mỹ gốc Phi. Các thông tin cập nhật trên tài khoản mạng xã hội của một người có vẻ là Flanagan cho thấy nghi phạm có thái độ bất mãn với đài WDBJ7 từ trước. Đài này sa thải anh ta 2 năm trước.
Tuy nhiên, khi bị cảnh sát truy đuổi sau vụ nổ súng, nghi phạm Flanagan đã tự sát và sau đó y đã chết tại bệnh viện. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ tấn công và sát hại các nhà báo ở Mỹ.
Hơn 10 nhà báo Mỹ bị bắn chết từ năm 1991 đến nay
Theo RT, đã có hơn 10 nhà báo Mỹ bị bắn chết liên quan đến công việc của họ kể từ năm 1991 đến nay. Những vụ việc này đều gây rúng động dư luận một thời gian dài.
Hồi tháng 8/2007, phóng viên điều tra của trang Oakland Post, ông Chauncey Bailey (57 tuổi) đã bị một người đàn ông đeo mặt nạ bắn liên tiếp vào người trên đường phố Oakland. Được biết, ông Bailey mới nhậm chức Tổng biên tập của Oakland Post được 2 tháng trước khi bị sát hại.
Cây bút điều tra Chauncey Bailey. (ảnh: RT) |
Thủ phạm sát hại nhà báo Bailey tên là Devaughndre Broussard. Gã này đã ra đầu thú ngay sau hôm gây án. Gã này cho biết, hắn tức giận vì bài báo điều tra tiệm bánh mì Your Black Muslim Bakery, nơi hắn làm việc. Nhà báo Bailey cho rằng tiệm bánh này đã có các hoạt động phạm tội.
2 năm sau cái chết của nhà báo Bailey, cảnh sát đã điều tra ra được kẻ chủ mưu đứng đằng sau vụ sát hại này là chủ của tiệm bánh tên là Yusuf Bey IV. Gã này âm mưu sát hại nhà báo Bailey vì anh này chuẩn bị đưa các hành vi phạm tội của hắn ra ánh sáng.
Tháng 10/2001, nước Mỹ lại lần nữa rúng động khi nhà báo Robert Stevens, 63 tuổi, biên tập viên hình ảnh của tờ The Sun ở Boca Raton, bang Florida qua đời. Ông Robert Stevens bị ám sát bởi vật phẩm mang virus bệnh than gây chết người được gửi tới cho ông. Thủ phạm được xác định là nhà vi trùng học Bruce Ivins, người đã tự sát năm 2008 sau khi nghe tin FBI chuẩn bị buộc tội giết người cho y.
Liên quan các vụ tấn công ngày 11/9, phóng viên ảnh tự do Bill Biggart, 54 tuổi, đã bị giết khi đang tới tòa tháp đôi WTC để chụp ảnh sự kiện. Thi thể và máy ảnh của phóng viên này được phát hiện bên dưới đống đổ nát ngày 15/9/2001. Những bức ảnh về thảm kịch 11/9 của ông sau đó đã được Bảo tàng lịch sử Mỹ và Trung tâm ảnh quốc tế trưng bày.
Bài viết về phóng viên ảnh dũng cảm Bill Biggart. (ảnh: RT). |
Ngày 18/10/2000, nhà báo James Edwin Richards đã bị giết chết tại nhà riêng ở Venice, California. Ông là biên tập viên tờ Neighborhood News, chuyên vạch trần sự thực về các vụ xả súng, ma túy, trộm cắp. Thậm chí ông còn tới tận hiện trường điều tra và chụp ảnh các vụ buôn bán ma túy. Điều này khiến ông Richards bị nhiều tội phạm thù ghét và ra tay sát hại ông.
Nhà báo Manuel de Dios Unanue là biên tập viên chính chương trình radio mang tên “What others try to silence”, nơi ông công khai tên của những trùm ma túy ngay trên sóng phát thanh. Ông còn cho ra mắt một cuốn sách về những tổ chức vận chuyển ma túy, cũng như một loạt các bức ảnh về hành vi phạm tội của chúng. Ngày 11/3/1992, ông bị ám sát trong một quán bar ở Queens dưới âm mưu của một tên trùm ma túy Colombia.
Ngoài ra, ba nhà báo Mỹ gốc Haiti đã bị sát hại ở Little Haiti, Miami trong vòng 3 năm. Jean-Claude Olivier, làm việc tại đài phát thanh WLQY, đã bị sát hại trên đường ra bãi đỗ xe ngày 18/2/1991 vì quan điểm chính trị thẳng thắn. Ông Olivier ủng hộ Tổng thống Haiti mới được bầu cử khi đó Jean-Bertrand Aristide, người bị một nhóm quân sự lật đổ sau đó cùng năm.
Đồng nghiệp của Olivier, Fritz D’Or, người phụ trách một chương trình phát thanh cho WLQY, nhà hoạt động nổi tiếng và là nhân vật của công chúng ở Little Haiti, đã bị ám sát ngày 15/3/2991 sau khi bị đe dọa nhiều lần vì ủng hộ Tổng thống Aristide.
Dona St.Olite là một phóng viên sinh ra tại Haiti làm việc cho đài phát thanh WKAT ở Miami. Ông bị sát hại ngày 24/10/1993 sau khi gây quỹ ủng hộ cho gia đình Fritz D’Or. Ông cũng là nhân vật ủng hộ Tổng thống Haiti Aristide.
Nhà báo trên khắp thế giới đối mặt mối đe dọa mỗi ngày
Nguy hiểm từ lâu đã được xem như một phần của nghề báo. Theo USA Today, những vụ sát hại nhằm vào các nhà báo ở Mỹ không nhiều, nhưng họ thường xuyên phải chịu áp lực về tinh thần.
Các nhà báo ở Mỹ phải đối mặt với sự quấy rối cá nhân, sự đe dọa bạo lực, sự xúc phạm trên mạng…. Những hành vi này có thể thực hiện rất đơn giản chỉ với một cú nhấp chuột trên các kênh truyền thông xã hội.
Đáng sợ hơn, sự quấy rối tinh thần có thể biến thành bạo lực và gây ra hậu họa không thể lường được. Còn nhớ, đầu năm nay, vào ngày 7/1, cả 12 người làm việc trong tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo đều đã bị giết chết vì một vụ xả súng.
Các nhân viên còn lại của Charlie Hebdo sau vụ tấn công. (Ảnh: Reuters) |
Tạp chí châm biếm này có trụ sở tại Paris (Pháp), được thành lập năm 1970, nổi tiếng với những bức biếm họa táo bạo và châm biếm liều lĩnh nhằm vào giới chính khách, người của công chúng và cả các biểu tượng tôn giáo.
Nguyên nhân của vụ xả súng vào Charlie Hebdo được cho xuất phát từ những bức vẽ biếm họa thủ lĩnh nhóm Hồi giáo IS, ông Abu Bakr al-Baghdadi đã khiến tờ báo này lọt vào tầm ngắm của các tổ chức cực đoan Hồi giáo.
Trang Amnesty nhận định, vụ việc tại tòa soạn báo Charlie Hebdo đã đánh thức cả thế giới với thực tế nghiệt ngã về các mối đe dọa mà hàng ngàn nhà báo phải đối mặt mỗi ngày.
Chỉ cách đây vài ngày, vào hôm 7/8, nhà báo Gleydson Carvalho làm cho một đài phát thanh mang tên Radio Liberdade FM ở Camocim, bang Ceara (đông nam Brazil) đã bị bắn 5 phát ngay tại phòng thu, trong đó có 3 phát bắn vào đầu.
Carvalho được đưa đi cấp cứu nhưng qua đời trên đường đi. Ông được biết là một người chỉ trích quyết liệt nạn tham nhũng của chính quyền. AFP dẫn lời cảnh sát cho biết họ nghi ngờ đây là một vụ giết người vì động cơ chính trị.
Nguy hiểm từ lâu đã được xem như một phần của nghề báo. (ảnh: Flickr / Birger Hoppe) |
Theo Tổ chức nhà báo không biên giới, Brazil là quốc gia nguy hiểm thứ ba với các nhà báo ở Mỹ Latin, sau Mexico và Honduras, với 38 nhà báo bị giết từ năm 2000 đến năm 2014.
Trang Amnesty dẫn thông tin từ Tổ chức nhà báo không biên giới cho biết, chỉ tính từ đầu năm cho đến tháng 8/2015, đã có 22 nhà báo bị giết chết và hơn 160 người bị cầm tù. Còn năm 2014, có gần 100 nhà báo đã thiệt mạng vì công việc của mình.
Susanna Flood, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Bất cứ nơi nào trên thế giới, bạn cũng có thể tìm thấy những câu chuyện về một nhà báo bị sách nhiễu, bị đe doa, thậm chí bị giết”.
"Các nhà báo không phải là tội phạm. Họ là đôi mắt và đôi tai của xã hội. Họ đáng được bảo vệ khi đang làm việc của mình một cách hợp pháp”, bà Susanna Flood nhấn mạnh./.