Nhiều phương tiện truyền thông ngày 5/5 đưa tin, giao tranh tại thành phố Mariupol của Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt. Các video và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều tòa nhà đã bị phá hủy và khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal ở thành phố này.
Lý do cuộc chiến Mariupol quan trọng với Nga
Đối với Nga, thành phố cảng Mariupol là một biểu tượng mạnh mẽ. Đây là thành phố chủ yếu nói tiếng Nga nằm ở khu vực phía Đông Ukraine. Nhà máy thép Azovstal nằm giữa thành phố này hiện là “pháo đài” cuối cùng của các đơn vị Ukraine tại đây khi Nga đang siết chặt vòng vây nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn Mariupol.
Truyền thông Nga cho biết, việc Nga giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Mariupol là một chiến thắng được mong đợi từ lâu trong chiến dịch “phi hạt nhân hóa” Ukraine của Tổng thống Putin. Thông điệp đó đặc biệt quan trọng với Điện Kremlin khi Nga đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5, đánh dấu thắng lợi của Liên Xô trước Đức Quốc xã.
Tầm quan trọng của Mariupol càng được khẳng định hơn khi một trong những trợ lý đắc lực của Tổng thống Putin, Phó Chánh Văn phòng thứ nhất của điện Kremlin Sergei Kiriyenko đến thăm thành phố trong tuần này. Ông Sergei Kiriyenko phụ trách vấn đề chính trị đối nội trong chính quyền Putin và việc ông theo dõi chặt chẽ tình hình tại miền Đông Ukraine có thể coi là tín hiệu cho thấy Điện Kremlin quyết tâm “giải phóng” khu vực này.
Trong một phát biểu ngày 4/5, người đứng đầu chính quyền khu vực ly khai Donetsk, ông Denis Pushilin cam kết rằng thành phố này sẽ được xây dựng lại. “Tôi mong rằng chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp quản thành phố này, đặc biệt khi có sự đồng hành của Nga”, ông Pushilin nói.
Mariupol đã trở thành tâm điểm của quân đội Nga ngay từ đầu chiến dịch quân sự. Với vị trí quan trọng, nơi đây đang trở thành một “mục tiêu chiến lược” với Nga.
Các lực lượng của Nga đã tiếp cận Mariupol chỉ vài ngày sau khi bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24/2 và họ đã nhanh chóng bao vây thành phố từ đầu tháng 3. Qua nhiều tuần giao tranh dữ dội, Nga đã đẩy các lực lượng Ukraine ngày càng lùi xa hơn cho đến khi họ phải cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal. Đến ngày 21/4, quân đội Nga tuyên bố giành chiến thắng sau khi chiếm được phần còn lại của thành phố. Trong khi đó, phía Ukraine kiên quyết không đầu hàng. Quân đội Ukraine đã khước từ một loạt tối hậu thư yêu cầu đầu hàng từ Nga, bất chấp lời cảnh báo từ Moscow rằng bất kỳ lực lượng còn sót lại nào đều “sẽ bị loại bỏ”.
Theo các nhà phân tích, do tầm quan trọng chiến lược của Mariupol đối với cả Nga lẫn Ukraine, một cuộc chiến ác liệt tại đây là điều không thể tránh khỏi. Nếu có đủ thiết giáp, pháo binh và có nhiều sức mạnh không quân hơn, Ukraine có thể phá vỡ vòng vây và tiến hành các cuộc phản công. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều này rất khó khăn khi quân đội Nga đang siết chặt vòng vây.
Nga muốn gửi thông điệp đến phương Tây
Nếu Mariupol thất thủ, Nga có thể kiểm soát toàn bộ vùng bờ biển của Ukraine trải dài từ khu vực Rostov ở phía Đông dọc theo bờ Biển Azov tới vùng ngoại ô Odessa. Thắng lợi này sẽ dọn đường giúp Nga hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng ở phía Nam dễ dàng hơn và làm suy yếu nỗ lực của Ukraine trong việc bảo vệ Odessa.
Sự kháng cự của các binh sỹ Ukraine không thể được duy trì vô thời hạn trong điều kiện không có lương thực, nước uống và đạn dược bổ sung vì vậy Kiev đang chạy đua với thời gian để tìm cách giải phóng cho những đơn vị đang cố thủ trong thành phố. Trong khi đó, một số lượng lớn lực lượng của Nga hiện giờ đã có thể tự do di chuyển lên phía Bắc, củng cố nỗ lực của Moscow trong việc bao vây và tấn công những lực lượng Ukraine đang kìm hãm đà tiền của Nga ở Donbass.
Thiệt hại mà cuộc chiến tại Mariupol gây ra đối với cả Nga lẫn Ukraine đều rất lớn. Nhưng riêng với Ukraine, mọi thứ dường như trong tình trạng khó kiểm soát hơn.
Ở cấp độ chiến lược, Nga cũng đang gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine và phương Tây rằng nước này sẽ sử dụng các phương tiện cần thiết, thậm chí chấp nhận tổn thất để đạt được các mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Những tổn thất của Nga trong giai đoạn đầu chiến dịch không ngăn cản được ông Putin triển khai thêm lực lượng vào các cuộc chiến tại Donbass. Cùng với đó, Moscow cũng thay đổi chiến thuật, thắt chặt các tuyến giao thông huyết mạch của Ukraine để ngăn dòng vũ khí phương Tây chảy vào nước này.
Khi Mỹ và đồng minh leo thang các biện pháp trừng phạt Nga, với mức độ khắc nghiệt ngày càng tăng, Tổng thống Putin đã liên tiếp đưa ra những lời cảnh báo. Trên thực tế, những lo lắng của phương Tây về “lằn ranh đỏ” mà nhà lãnh đạo Nga đưa ra, đặc biệt là khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, đã phần nào cho thấy thành công trong cuộc chiến tâm lý của ông Putin nhằm chống lại NATO và Mỹ, và làm cản trở kế hoạch thúc đẩy một liên minh đoàn kết chặn đứng chiến dịch quân sự của Nga.
Một số nhà phân tích cho rằng, sự bất đồng trong việc đối phó với các mối đe dọa từ Nga đang cho thấy những rạn nứt tiềm ẩn trong liên minh NATO. Chưa kể, việc khối này tự phá vỡ “giới hạn đỏ” trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự của Ukraine đã đi ngược lại với cam kết của NATO suốt 30 năm qua là duy trì hòa bình ổn định cho châu Âu./.