Tuy nhiên, tình hình tại Ukraine dường như không được như dư luận kỳ vọng.

Khu vực phía Đông Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau thỏa thuận vừa đạt được. Tiếng súng vẫn vang lên tại Slavyansk. Những người dân địa phương cho biết, một người bị thiệt mạng khi một nhóm người tấn công những người biểu tình đòi liên bang hóa Slavyansk. Trong khi đó, trực thăng quân sự vẫn quần thảo trên bầu trời Kramatorsk.  

ukr_copy.jpg
Binh lính Ukraine đụng độ người biểu tình ủng hộ Nga tại Kramatorsk (Ảnh Reuters)

Quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya ngày 17/4 khẳng định, Ukraine chưa có ý định rút quân khỏi miền Đông Nam, bất chấp thỏa thuận đã đạt được về giảm leo thang xung đột tại nước này.

Theo ông Deshchytsya, quân đội đã được điều động tới khu vực Đông Nam trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố mà Kiev triển khai. Tuy nhiên, sự có mặt của binh sĩ không có nghĩa là họ phải hành động, có thể không cần sử dụng tới quân đội nếu như tình hình được "hạ nhiệt".

Ông Deshchytsya nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc "tháo ngòi" căng thẳng đang diễn biến phức tạp tại miền Đông Nam Ukraine, cũng như vai trò của Nga trong việc ổn định tình hình Ukraine.

Ông Deshchytsya: “Chúng tôi bất đồng với Nga về nhiều vấn đề nhưng những gì chúng tôi nhất trí hôm nay (ngày 17/4) đó là đưa ra những nỗ lực chung để thúc đẩy tiến trình giảm căng thẳng tại phía đông Ukraine và Nga cam kết là một phần của tiến trình này. Vì vậy đây sẽ là một phép thử đối với Nga nếu Nga muốn thể hiện thiện chí sẵn sàng ổn định tình hình trong khu vực”.

Để thực hiện một phần của thỏa thuận đạt được tại Geneva,  Tổng thống lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết, Kiev cam kết ân xá cho những người biểu tình hòa bình, nộp vũ khí, ngoại trừ những người phạm các tội ác nghiêm trọng.

Ông Yatsenyuk cũng kêu gọi những người đang chiếm đóng các tòa nhà tại khu vực phía đông rời khỏi vị trí và hạ vũ khí, đồng thời khẳng định chính quyền Ukraine sẵn sàng tham gia đối thoại với những người biểu tình.  

Phản ứng trước những lời kêu gọi của ông Yatsenyuk, những người biểu tình tại một số thành phố phía Đông Ukraine tuyên bố sẽ không rời khỏi tòa nhà đang bị chiếm đóng vì Chính phủ Kiev là bất hợp pháp. Họ tuyên bố sẽ không rời các tòa nhà này cho đến khi Chính phủ lâm thời từ chức.

Mặc dù thỏa thuận đã đưa ra nhưng Mỹ ngay lập tức cảnh báo Moscow sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt xa hơn nếu không thực hiện thỏa thuận vừa đạt được.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 17/4 cho biết đang triển khai một đơn vị phản ứng nhanh của hải quân tới Biển Baltic, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh tại Đông Âu trước cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine. Điều này có thể sẽ nhận được sự phản ứng từ Nga và gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Cuộc gặp 4 bên giữa Ukraine, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra. Tuy nhiên để thỏa thuận này đạt được tính hiệu quả thì cần phải sự chấp thuận và thực thi của tất cả các bên liên quan./.