Giá trị chiến lược của Đảo Rắn
Trải rộng trên 186.000 mét vuông chỉ có đất đá và cỏ cũng như không hề có nước ngọt nhưng Đảo Rắn ở Biển Đen lại có tầm quan trọng to lớn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hòn đảo này, còn được gọi là Zmiinyi Ostriv trong tiếng Ukraine, nằm cách bờ biển của Ukraine 48 km và gần với những tuyến đường biển dẫn tới Eo biển Bosphorus và Địa Trung Hải.
Nga vẫn chưa khẳng định quyền sở hữu với Đảo Rắn, hòn đảo cách xa tất cả vị trí trên đất liền của Nga, trong đó cách Crimea tới gần 300 km.
Đảo Rắn hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga nhưng đang chứng kiến giao tranh dữ dội giữa Nga và Ukraine trong những ngày gần đây. Mặc dù hòn đảo này thoạt nhìn có vẻ không đáng chú ý nhưng trên thực tế nó lại giữ vai trò chiến lược với cả Nga và Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến. Thậm chí trước khi cuộc xung đột nổ ra, Ukraine đã hiểu rõ hòn đảo này là một vị trí dễ bị tấn công. Năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bay tới Đảo Rắn - một nơi không có cử tri, để nhấn mạnh về tầm quan trọng của nó.
"Hòn đảo này, giống như phần còn lại của lãnh thổ chúng ta, là đất của Ukraine và chúng tôi sẽ bảo vệ nó bằng mọi khả năng của mình", Tổng thống Zelensky khẳng định.
Nga đã tiến vào Đảo Rắn ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Có một câu hỏi được đặt ra là tại sao hiện nay, Nga lại tập trung nhiều nỗ lưc để kiểm soát Đảo Rắn tới như vậy?
Lý do đầu tiên cho tầm quan trọng của Đảo Rắn là hầu như có rất ít đảo trên Biển Đen. Thứ hai là với việc cách phía Nam Odessa 200km - thành phố cảnh lớn nhất Ukraine, Đảo Rắn có thể cung cấp cho quân đội cơ hội kiểm soát việc đi lại trên biển ở khu vực xung quanh. Nếu Nga kiểm soát được hòn đảo này vĩnh viễn, Moscow có thể chặn xuất khẩu hàng hóa qua cảng Odessa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể ngăn hàng triệu tấn lúa mì Ukraine xuất khẩu ra thế giới.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho biết hôm 13/5 rằng bên nào kiểm soát Đảo Rắn, bên đó sẽ kiểm soát "mặt đất và ở một mức độ nào đó là không phận ở phía Nam Ukraine".
"Bất kỳ ai kiểm soát được hòn đảo này có thể ngăn chặn việc di chuyển của các tàu thuyền dân sự theo mọi hướng tới phía Nam Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào", ông Kyrylo Budanov cho hay.
Chỉ riêng lý do đó đã khiến Ukraine tuyên bố thậm chí ngay cả khi không dành được vùng lãnh thổ này ngay lập tức thì Kiev cũng sẽ từ chối công nhận nó thuộc Nga.
Giao tranh dữ dội
Trong một loạt cuộc tấn công 10 ngày qua, các máy bay không người lái và các trang thiết bị quân sự của Ukraine được cho là tăng cường tấn công vào các lực lượng của Nga đang cố gắng củng cố sự hiện diện trên Đảo Rắn.
Một hình ảnh từ cuối tuần trước đã cho thấy 2 cột khói bốc lên từ hòn đảo này. Ba quan chức quốc phòng Mỹ và 1 quan chức Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đã tấn công ít nhất 1 hệ thống phòng không của Nga trên đảo Rắn vào cuối tuần trước. Theo đó, phía Ukraine đã tấn công vào hệ thống phòng không tầm ngắn SA-15, cùng với 1 trực thăng và tàu đổ bộ của Nga.
Tuy nhiên, ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết Nga đã làm thất bại kế hoạch chiếm Đảo Rắn của Ukraine.
"Từ ngày 7/5, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cùng với các cố vấn từ Anh và Mỹ đã lên kịch bản cho một cuộc tấn công lớn nhằm chiếm Đảo Rắn. Trước những động thái chuyên nghiệp của Lực lượng Vũ trang Nga trên hòn đảo này, hành vi khiêu khích của Ukraine đã thất bại. Đối thủ đã chịu những tổn thất to lớn", ông Konashenkov cho hay.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm 12/5 rằng Nga đang cố gắng "cải thiện các vị trí trên hòn đảo này trong nỗ lực ngăn chặn liên lạc đường biển của Ukraine ở Tây Bắc Biển Đen, đặc biệt là theo hướng Odessa".
Ông Budanov đã chỉ ra rằng Đảo Rắn cũng cho thấy sự hữu ích với Nga nếu họ muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực Transnistria ly khai tại Moldova - hiện có 1.500 binh lính Nga đóng quân ở đây.
Theo tình báo Anh, điện Kremlin đang tăng cường lực lượng trên Đảo Rắn. Tình báo Anh cũng nhận định quân đội Nga có thể chiếm ưu thế ở khu vực này nếu có thể củng cố các vị trí bằng các tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển và phòng không chiến lược. Nga có thể đang lên kế hoạch để xây dựng một địa điểm hạ cánh cho các tiêm kích.
Đảo Rắn thực sự đã chứng kiến giao tranh từ trước khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra. Romania và Ukraine từng tranh chấp hòn đảo này và vùng biển xung quanh trong một thời gian dài bởi ở đây có thể đang chứa nguồn tài nguyên hydrocarbon dồi dào. Tòa án Công lý Quốc tế đã đưa ra quyết định cuối cùng về tình trạng của hòn đảo này, cũng như ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Ukraine và Romania vào năm 2009./.