Vành đai – Con đường không thuận buồm xuôi gió
Maximilian Mayer, giáo sư cơ sở về quan hệ quốc tế và chính trị toàn cầu tại Đại học Bonn, Đức và Emilian Kavalski, giáo sư tại Đại học Jagiellonian, Krakow, Ba Lan cho rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới hiện đang suy giảm. Lấy một ví dụ điển hình, dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã không diễn ra thuận buồm xuôi gió như nước này và các đối tác kỳ vọng. Những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Ethiopia tới Đức và Iceland cho tới Nam Thái Bình Dương đã tạo nên những câu chuyện ngoại giao lạc quan ban đầu nhưng khoảnh khắc này đã trôi qua và bầu không khí tích cực về giai đoạn này nhanh chóng phai mờ.
Với BRI, những khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc luôn đi cùng với những cuộc đàm phán phức tạp và sự dịch chuyển các liên minh địa chính trị. Sự nghi ngờ về mặt chính trị đã xuất hiện trong các dự án của Trung Quốc, đặc biệt tại Trung và Đông Âu. Sự phô trương hào nhoáng về khối 17+1 nhanh chóng mai một. Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vướng vào những tranh cãi song phương gay gắt với Cộng hòa Séc và gần đây nhất là Litva – một quốc gia tiên phong chống Trung Quốc.
Vị thế của Trung Quốc ở châu Âu đang đầy bấp bênh. Chính phủ Anh sẽ loại Tổng công ty Điện Hạt nhân Trung Quốc khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ bảng Anh (27,6 tỷ USD) ở bờ biển Suffolk. EU - một liên minh vốn luôn muốn tránh xa những tranh cãi địa chính trị Mỹ - Trung, gần đây đã khởi động kế hoạch Cánh cổng Toàn cầu (Global Gateway) nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc. Các nhà quan sát châu Âu ở Bắc Kinh lo ngại, kết quả cuộc bầu cử Đức gần đây có thể làm thay đổi tính toán chiến lược của Berlin khi làm ăn với Bắc Kinh.
Một nhân tố sâu xa nữa khiến chiến lược ngoại giao của nước này gặp khó là Trung Quốc đối mặt với sự thiếu tin tưởng trong quan hệ quốc tế.
Theo 2 nhà quan sát nhận định trên Politico, từ bỏ “vỏ bọc” không can thiệp vào vấn đề đối ngoại của các quốc gia khác, Trung Quốc đã trực tiếp gây sức ép với những quốc gia không có cùng quan điểm với mình để buộc họ phải thay đổi lập trường.
Na Uy, Hàn Quốc, Litva và Australia đều không hài lòng với những biện pháp kinh tế của Trung Quốc. Mới đây, phái đoàn Australia tại Tổ chức thương mại Thế giới đã ra tuyên bố rằng Trung Quốc đang đe dọa hệ thống thương mại toàn cầu.
Trên trang Twitter cá nhân, ngày 20/10, Đại sứ Australia tại WTO George Mina đã đăng bản đánh giá của Australia về chính sách thương mại của Trung Quốc thường niên. Bên cạnh việc công nhận sự tham gia chủ động của Trung Quốc vào WTO, Australia cho rằng, kể từ lần đánh giá trước, Trung Quốc đã “gia tăng các biện pháp, thử thách các quy định và tập quán thương mại toàn cầu bằng việc thực thi các biện pháp không phù hợp với cam kết của nước này đối với WTO. Và Australia là một trong những thành viên đầu tiên của WTO trải qua điều này”.
Một nhân tố khác cũng khiến Trung Quốc làm mất lòng nhiều quốc gia chính là các nhà ngoại giao "chiến lang" của nước này.
Phản ứng của Trung Quốc với AUKUS là minh chứng cho thấy nước này không sở hữu một bộ công cụ ngoại giao linh hoạt. Sau thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ - Anh – Australia, các nhà hoạch định chính sách, truyền thông và các học giả Trung Quốc đã chỉ trích Australia, đồng thời cảnh báo nước này sẽ trở thành mục tiêu của vũ khí hạt nhân nếu Canberra thúc đẩy việc sở hữu các tàu ngầm hạt nhân của Washington.
Ngoài những đe dọa hạt nhân và cưỡng ép kinh tế, Trung Quốc hầu như không có nhiều lựa chọn khả thi để đối phó với AUKUS và nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Những cơ hội của quốc gia này để trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng khá mong manh.
Hợp tác với Trung Quốc như “con dao hai lưỡi”
Với một số thành viên CPTPP, triển vọng tăng cường xuất khẩu bằng cách mở rộng việc tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc đem tới sự thuyết phục đáng kể để ủng hộ tư cách thành viên của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đó chỉ là tầm nhìn ngắn hạn.
Những điều mà Canada, Australia và nhiều nước khác trải qua đã cho thấy, hợp tác sâu sắc về thương mại và đầu tư với Trung Quốc giống như con dao hai lưỡi. Việc phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc ngày càng dễ tổn thương trước những chính sách quyết đoán của nước này.
Gần đây, Trung Quốc đã từ chối nhập khẩu thịt lợn, thịt bò, đậu nành và dầu hạt cải của Canada, khiến nước này mất 4 tỷ USD xuất khẩu.
Trung Quốc cũng từ chối nhập khẩu hàng hòa từ Australia nhằm đáp trả việc nước này kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19 cũng như những phàn nàn của Canberra về sự can thiệp của Trung Quốc vào chính trị nội bộ của nước này.
Không chỉ Canada và Australia chịu ảnh hưởng từ những chính sách này của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đe dọa và áp đặt những hạn chế thương mại lên hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Philippines, Mông Cổ, Anh...
Gần đây nhất, tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu tăng vọt đã tiết lộ về tình hình an ninh năng lượng của Trung Quốc. Ngay cả khi chính sách tự cung tự cấp năng lượng không phải giấc mơ xa vời thì Trung Quốc cũng không còn lựa chọn nào ngoài phụ thuộc vào thị trường năng lượng toàn cầu để đèn điện tiếp tục sáng và các nhà máy duy trì vận hành. Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh thậm chí đã phải dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc nhập khẩu than đá Australia và chuẩn bị nhập một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.
Với một cái nhìn thực tế hơn về Trung Quốc cũng như các lợi ích của mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với Financial Times rằng: "Chúng tôi không coi Trung Quốc là kẻ thù hay đối thủ. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc hợp tác với Trung Quốc là rất cần thiết. Có những cơ hội cho việc này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng để đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Điều này vô cùng quan trọng với các nền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi cần hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ trang.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới. Họ có hải quân lớn nhất thế giới. Họ sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cưỡng ép các nước láng giềng. Chúng tôi sẽ theo dõi xem liệu họ hành xử như thế nào trên Biển Đông và có thực sự 'bắt nạt' những quốc gia không hành xử như họ muốn hay không"./.