Khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Rome, Italy vào cuối tháng 10, quyết định của ông ký kết thỏa thuận an ninh mới với Anh và Australia có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn.
Sau khi thỏa thuận trên khiến Pháp nổi giận và gây ra căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa Paris và Washington thì Thượng đỉnh G-20 sắp tới là cơ hội để Tổng thống Biden hàn gắn những rạn nứt mới này.
Tổng thống Biden sẽ không chỉ nỗ lực sửa chữa quan hệ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị mà còn phải tái khẳng định với các đối tác về cam kết của Mỹ khi các nội dung trong chính sách với Trung Quốc ngày càng được nhấn mạnh.
Hướng tiếp cận mang tính cạnh tranh và đối đầu với Trung Quốc của Tổng thống Biden sẽ mang đến những chỉ dẫn sâu sắc cho chiến lược lớn của Mỹ trong những năm tới.
Hồi tháng 9, cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden đã thông báo thành lập thỏa thuận an ninh 3 bên. Theo thỏa thuận AUKUS, London và Washington sẽ hỗ trợ Canberra phát triển tàu ngầm hạt nhân và tăng cường hợp tác công nghệ trên hàng loạt lĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Australia cũng sẽ xem xét việc Mỹ bố trí các máy bay ném bom trên lãnh thổ của mình.
Trong khi bản thân thỏa thuận AUKUS là một bước tiến lớn để Washington hoàn thành chiến lược xoay trục châu Á và thúc đẩy vị thế an ninh khu vực của mình thì những tính toán lớn hơn đằng sau việc này cũng rất đáng chú ý. Điều này không chỉ đúng với quan hệ Mỹ - Trung mà còn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Mỹ. Trung tâm của thỏa thuận AUKUS là cam kết của Mỹ và Anh nhằm cung cấp cho Australia công nghệ hạt nhân để vận hành hạm đội tàu ngầm mới.
Phá vỡ trụ cột chính của chính sách đối ngoại trong 7 thập kỷ
Năng lượng hạt nhân giúp cho các tàu ngầm có tầm hoạt động không giới hạn, di chuyển khó bị phát hiện và có những khả năng vượt trội hơn so với các tàu ngầm theo quy ước trong thỏa thuận ban đầu giữa Australia và Pháp. Tuy nhiên, công nghệ hạt nhân này là một trong những bí mật được bảo vệ sát sao nhất của Mỹ.
Mặc dù Mỹ có những thỏa thuận chia sẻ công nghệ hạt nhân với các đồng minh chủ chốt liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng nước này hầu như không trao đổi nguyên liệu hạt nhân hoặc những hiểu biết về lĩnh vực này với bất kỳ quốc gia nào. Lần gần đây nhất Mỹ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân với một đồng minh là vào năm 1958 theo thỏa thuận quốc phòng với Anh.
Kể từ khi kết thúc Thế chiến II, việc không phổ biến hạt nhân trở thành trụ cột trong chiến lược lớn và chính sách đối ngoại của Mỹ. Về cơ bản, các quan chức Mỹ tin rằng nếu các vũ khí hạt nhân được phổ biến và nhiều quốc gia sở hữu chúng, rủi ro Mỹ bị tổn thương trước các cuộc tấn công sẽ ngày càng cao.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng e ngại việc các đồng minh sở hữu kho hạt nhân độc lập hay nắm giữ những thông tin hạt nhân quan trọng. Nếu điều này xảy ra, các nước này có thể kéo Mỹ vào các cuộc xung đột không mong muốn hoặc ngày càng độc lập với Washington.
Trong thông báo về thỏa thuận AUKUS, Thủ tướng Australia khẳng định nước này sẽ không tìm cách xây dựng khả năng răn đe hạt nhân hay sở hữu vũ khí hạt nhân. Dù vậy, việc chính quyền Tổng thống Biden tạm gác những cam kết không phổ biến hạt nhân đã cho thấy Mỹ coi thách thức từ Trung Quốc và an ninh khu vực ở Thái Bình Dương là những vấn đề cấp bách hơn.
Nói cách khác, cung cấp cho Australia tàu ngầm hạt nhân là sự phá vỡ trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 7 thập kỷ qua. Có thể trong tương lai, Washington sẽ đưa ra những quyết định tương tự với các đồng minh khác trong khu vực như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Đối phó với Trung Quốc và quan hệ với đồng minh
Cùng lúc đó, thỏa thuận AUKUS cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quan hệ tương lai giữa Mỹ và hầu hết các đồng minh châu Âu.
Trong khi Australia, Anh và Mỹ đàm phán thỏa thuận này, họ quyết định giữ bí mật với Paris bởi thỏa thuận này liên quan đến việc hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trước đó giữa Pháp và Australia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giận dữ trước điều mà ông gọi là trò lừa gạt này đến mức ông đã triệu các đại sứ tại Australia và Mỹ về nước. Thỏa thuận AUKUS không chỉ làm bùng lên cơn thịnh nộ từ Pháp mà còn dẫn tới căng thẳng leo thang giữa Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất.
Thông báo về thỏa thuận AUKUS phơi bày những rạn nứt trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. Cùng với việc Mỹ thiếu sự tham vấn trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan, AUKUS cho thấy sự tiếp nối giữa chính quyền Tổng thống Biden và người tiền nhiệm về vai trò của châu Âu trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhiều hơn những gì mà các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden công khai thừa nhận.
Thỏa thuận này càng củng cố câu hỏi rằng, Washington có lập trường như thế nào về các đồng minh châu Âu khi nước này chuyển hướng sang châu Á và tái định hướng chính sách an ninh quốc gia với Trung Quốc.
Thỏa thuận AUKUS có nhiều ý nghĩa hơn câu chữ mà nó thể hiện. Bằng cách tiến hành thỏa thuận này, Mỹ đã làm rõ kế hoạch đối phó với thách thức ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên cả ngôn từ và chính sách. Điều này có thể khiến Mỹ đối mặt nguy cơ phá hủy các mối quan hệ cốt lõi với những đối tác truyền thống và dẫn đến chuỗi phản ứng vượt ngoài tầm kiểm soát./.