Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm 25/2 đã kêu gọi các bên liên quan không được gây sức ép lên Ukraine buộc nước này phải lựa chọn tạo dựng mối quan hệ mật thiết hơn với Nga hay phương Tây. Theo đó, các bên liên quan không nên cố gắng để tìm kiếm lợi ích cá nhân tại thời điểm mà Ukraine đang cần đến các cuộc đối thoại quốc gia.

Có lẽ đây cũng là điều đang khiến nhiều người lo ngại bởi Ukraine đã từ lâu luôn tiềm ẩn những khác biệt giữa các vùng Đông và Tây và nay là những xu hướng thân phương Tây hay hướng về phía Đông với Nga. 

ukrai1.jpg
Người dân Ukraine phải gánh chịu những bất ổn chính trị bên trong đất nước (Ảnh: Getty)

Vì sao có “hướng Đông” và “hướng Tây”?

Ukraine là một quốc gia lớn thứ hai trong không gian hậu Xô Viết và là quốc gia có tính tương đồng về văn hoá cũng như nhiều mối quan hệ lịch sử sâu rộng (từ quân sự, khoa học kỹ thuật và nhất là kinh tế, năng lượng) với nước Nga. Do “lịch sử để lại”, cả một căn cứ quân sự lớn của Nga với Hạm đội Biển đen vẫn tồn tại ở Crưm, bán đảo thuộc chủ quyền của Ukraine và sinh ra ở đây những thế hệ người Nga đông đảo, chung sống hòa bình với người bản địa.

Một thực tế nữa không thể phủ nhận là, đa số người dân phía Đông Ukraine chính là người Nga hoặc con cháu họ, từng được Liên Xô đưa vào Ukraine và tất nhiên họ không thể nào ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ukraine như những người dân Ukraine chính gốc ở phía Tây.

Không những vậy, tôn giáo phổ biến ở Ukraine là Chính thống giáo Đông phương, tương tự Nga, khác với Tây Âu theo Giáo hội Công giáo Roma hay Tin lành và các tín hữu chính thống giáo vẫn trung thành với các giá trị thần học bắt nguồn từ thời hội thánh tiên khởi. Đây chính là yếu tố “hướng Đông” của Ukraine.

Sự ràng buộc của lịch sử và địa lý giữa Nga với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) nói chung và Ukraine nói riêng thời gian qua ngày càng được khôi phục, củng cố. Chính điều này làm cho phương Tây và Mỹ cảm thấy “nóng mặt”. Bởi vậy, Liên minh châu Âu đã quyết định chọn Ukraine là đối tượng để liên kết hòng làm suy yếu Nga đang vươn lên mạnh mẽ, cản bước tiến của Nga trên vũ đài chính trị toàn cầu…

Liên minh châu Âu và Mỹ đặt ra chính sách “hướng Đông” cũng vì mục tiêu này. Đây cũng có thể nói là một sự khôi phục “chiến tranh lạnh” dưới một hình thái mới.

Đề cập vấn đề này trong cuộc họp với các đại diện Viện cộng đồng mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng “việc nước Nga thể hiện những mặt tích cực và sự phát triển gây nên một số lo ngại nhất định giữa các đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế và thực tế nước Nga đã phải đối mặt với “lý thuyết răn đe" từ một số nước phương Tây”. Biểu hiện này đã bộc lộ khá rõ trong những hành động của các nước phương Tây với Nga liên quan đến công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Mùa Đông vừa diễn ra khá thành công. Chính “lý thuyết răn đe” trong chiến tranh lạnh hồi thế kỷ 20 là nhằm mục tiêu cản trở sự phát triển của Liên Xô.

Thời kỳ hậu Xô Viết, Tây Âu và Mỹ đã khởi động chính sách hướng đông với mục tiêu đầy tham vọng của đề án địa - chính trị mang tên “Đối tác Phương Đông”, được hình thành ngày 26/5/2008 do Hội đồng của Ủy ban Châu Âu về chính sách chung và đối ngoại đề xướng. Đề án này trên thực tế được “nhào nặn” lại từ một tổ chức đã cáo chung có tên GUAM (tên viết tắt của các quốc gia thành viên là Gruzia, Ukraine, Azerbaijan và Moldova), sau đó thành GUUAM khi bổ sung thêm quốc gia Uzbekistan.

Tổ chức GUUAM do Mỹ và các nước NATO bảo trợ, hình thành từ năm 1997 tại Hội nghị của Hội đồng Châu Âu ở thành phố Strasburg của Cộng hòa liên bang Đức với cái cớ “xúc tiến dân chủ và phát triển kinh tế” để từng bước tách các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô Viết. Đồng thời, Mỹ và NATO cũng từng bước đưa các nước cộng hòa thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế và chính trị với nước Nga, trước hết là trong lĩnh vực năng lượng và hệ thống hạ tầng cơ sở và tạo điều kiện cho các nước này gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, hình thành vành đai chiến lược “bao vây” Nga.

Không ít người dân tin vào “cái bánh vẽ” hội nhập châu Âu nên rất đồng tình với một số nhà lãnh đạo có chủ trương “hướng Tây”. Cho nên, khi Tổng thống Ukraine Yanukovych thông báo, Ukraine tạm hoãn ký Hiệp định liên kết kinh tế Ukraine – Liên minh châu Âu, một điều đồng nghĩa với việc đề án địa-chính trị “Đối tác Phương Đông” sẽ đứng trước nguy cơ “chết yểu” như GUUAM, những người Ukraine “ảo tưởng” lo ngại ảnh hưởng đến tiến trình “hướng Tây” nên lập tức bày tỏ thái độ phản đối.

“Hướng Tây” – con đường lắm chông gai

Vào thời điểm hiện tại, lãnh đạo các đảng phái đối lập với chủ trương “hướng Tây” đã thắng thế và đang có cùng tiếng nói. Nhưng có lẽ điều này sẽ chỉ là tạm thời. Những mục tiêu và tham vọng chính trị khác nhau của họ sẽ bộc lộ sau khi mục tiêu chung là lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hoàn thành. Bởi lẽ, các nhân vật chính trị ra đời từ các cuộc “cách mạng màu” ở Ukraine đều mang đầu óc bè phái, chỉ dựa vào một nhóm ủng hộ cụ thể mà thiếu khả năng liên kết cả nước.

Thực tế này cũng bộc lộ ngay bằng việc hoãn bỏ phiếu thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc từ ngày 25/2 sang ngày 27/2. Cho nên, trước mắt bất cứ một giải pháp chính trị nào cũng khó làm hài lòng các phe phái và dù có bầu cử thì tình hình sẽ vẫn là bất ổn và càng làm gia tăng nguy cơ đối mặt với sự toàn vẹn lãnh thổ khi chưa chắc chủ trương “hướng Tây” đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn.

Trong tương lai, dù nỗ lực đến đâu Liên minh châu Âu cũng khó có thể giúp hệ thống chính trị của Ukraine (do họ hậu thuẫn) lấp đầy khoảng trống mà Nga tạo ra nếu ngừng các mối quan hệ. Nguồn tài chính mà Liên minh châu Âu và Mỹ hứa lấp vào chỗ trống, thì nếu có, chắc chắn là họ sẽ đòi thực hiện theo một chương trình “chuẩn” của Quỹ tiền tệ quốc tế. Mà những “va chạm” giữa Ukraine với Quỹ tiền tệ quốc tế thời gian gần đây đã không mấy dễ chịu. Cho nên, có thể nói, bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ phương Tây sẽ đều cần Ukraine phải đưa ra những cam kết tương ứng.

Một trong những cam kết đó là cắt giảm trợ giá năng lượng tiêu dùng và hướng tới mức giá thị trường. Nếu thực hiện đúng cam kết đó, đối với Ukraine sẽ là một “cú đánh” vì họ đã cảm nhận rõ sức ép từ Nga lên dòng khí đốt “chảy sang Ukraine”. Đây nhất định sẽ là một thách thức lớn đối với phe đối lập vừa “chiến thắng” và đang phải “loay hoay” với không biết bao nhiêu vấn đề, trong đó có việc đối mặt với một ngân khố quốc gia trống rỗng.

Thêm nữa, theo những điều kiện đề ra trong Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu thì Ukraine sẽ còn phải cải tổ nền kinh tế, đổi mới công nghệ … mà để làm được điều này, Ukraine cần một khoản đầu tư ước tính khoảng 165 tỷ USD. Kết quả thì chưa biết thế nào, nhưng trước mắt hàng nghìn xí nghiệp của Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản và hàng triệu công nhân sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp. Với lộ trình này, thì bức tranh “tươi sáng” mà phương Tây đưa ra cho người dân Ukraine thật xa vời. Khó khăn, thiếu thốn và bất ổn lâu dài sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, nếu Ukraine ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu thì đồng nghĩa với việc chấp nhận Nga sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch để đối phó. Và như thế, Ukraine sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế. Hiện nay Ukraine đang được thụ hưởng khá nhiều lợi ích từ mối liên kết với Nga: trước hết là được nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga với giá thấp hơn thị trường thế giới; thứ nữa Nga cũng đang xem xét lại gói cứu trợ trị giá 15 tỷ USD. Có thể thấy, Nga “có đủ cà rốt và rất nhiều cây gậy” để sử dụng.

Nếu nước Nga lựa chọn các giải pháp cứng rắn, họ sẽ dễ dàng gia tăng thêm áp lực cho một Ukraine đã có nhiều rạn nứt phải đối mặt với tan vỡ. Kịch bản “Gia nhập châu Âu” đang khiến Ukraine đứng trước nguy cơ chia rẽ Đông – Tây một cách mạnh mẽ nhất. Chính những khác biệt của tư tưởng “hướng Đông” hay “hướng Tây” đang tồn tại ở Ukraine đã bắt đầu khơi mào cho những vụ biểu tình phản đối Chính phủ lâm thời diễn ra ở thành phố Sevastopol và Simferopol thuộc bán đảo Crưm khởi phát từ ngày 22/2 và vẫn đang ngày càng nóng với hàng chục nghìn người xuống đường. Trong các cuộc biểu tình rầm rộ này, có cả hai nhóm đối lập cùng tiến hành với những người ủng hộ “hướng Đông” thì mang theo tranh cổ động kêu gọi “nước mẹ Nga” ra tay; còn những người muốn gia nhập Liên minh châu Âu và “hướng Tây” thì lại hô vang khẩu hiệu “Ukraine – Liên minh châu Âu – NATO”....

Những thực tế này Mỹ và các nước tây Âu thấu hiểu hơn ai hết, bởi thế, họ luôn nêu cao khẩu hiệu “toàn vẹn lãnh thổ Ukraine”. Ngày 24/2 Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi điện cho người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để kêu gọi chuyển giao hòa bình ở Ukraine, khẳng định “tầm quan trọng của việc bảo đảm đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cùng ngày đưa các thông điệp tương tự tới ông Putin.

Ukraine và nguy cơ tan rã

Cuộc xung đột kéo dài gần 3 tháng ở Ukraine trong thời gian qua chỉ là sự bùng phát ra ngoài những xung khắc nội bộ trong một xã hội đang đứng ở “ngã ba đường” do những ảo tưởng mà tây Âu tạo ra và cũng được các nước phương tây lợi dụng triệt để. Họ đã áp dụng “công nghệ” “cách mạng cam” 2004, phiên bản mới, nhằm lật đổ chính quyền như các cuộc “cách mạng sắc màu” trong không gian hậu Xô Viết và “Mùa xuân Arab” ở các nước Bắc Phi - Trung Đông. Thế nhưng trên thực tế, kết quả của các cuộc cách mạng mà họ hậu thuẫn là bất ổn chính trị - xã hội triền miên, là cuộc sống khốn khó, dân chủ méo mó ... dẫn đến kết cục là người dân của các quốc gia đó phải gánh chịu.

Giờ đây, ở Ukraine, phe đối lập đã lật đổ được Tổng thống Vicktor Yanukovych. Cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, người được xem là lãnh tụ của một trong những đảng thuộc phe đối lập, đã được thả ra khỏi nhà tù. Các nhóm đối lập cũng đang khẩn trương thành lập Chính phủ lâm thời... nhưng tương lai của Ukraine vẫn đầy rẫy nguy cơ bất ổn, thậm chí đối mặt với nguy cơ tan rã do vẫn tồn tại sự phân hoá sâu sắc giữa phe thân phương Tây và thân Nga.

Với vị trí địa chính trị chiến lược của mình, Ukraine đã trở thành điểm giao thoa Đông – Tây chịu nhiều tác động và ảnh hưởng không chỉ của Tây Âu và Nga mà còn nhiều nước lớn khác. Cho nên, một khi các nước lớn, nhất là Nga và Tây Âu chưa cùng nhau thống nhất một giải pháp chính trị phù hợp cho đất nước Ukraine thì giấc mơ trở thành chiếc cầu nối Á-Âu của Ukraine sẽ trở thành “nút thắt” khóa chặt tương lai của đất nước Ukraine trong bất ổn về chính trị - xã hội và là cơ hội cho chủ nghĩa ly khai phát triển.

Bởi vậy, nếu lực lượng nào chiếm lĩnh chính trường Ukraine trong cuộc tổng tuyển cử ngày 25/5 cũng chỉ là hình thức khi các ràng buộc của lịch sử và địa lý chưa tìm được một giải pháp hữu hiệu. Có ý kiến cho rằng, có thể những bước đi này sẽ thúc đẩy sự hình thành tổ chức nhà nước theo mô hình liên bang. Nhưng nguy cơ tan rã thì thấy rõ hơn trong những cuộc biểu tình đang diễn ra, bắt đầu “tăng nhiệt” ở Kharkov, ở Crưm và các tỉnh thành phía Đông khác của Ukraine.

Trở lại với thông điệp của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nước Nga đang muốn thể hiện quan điểm trong các vấn đề quốc tế là không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Đối với Ukraine, điều mà nước Nga quan tâm là sự ổn định và phát triển của đất nước chứ không phải vì bất cứ một cá nhân hay xu thế chính trị nào. Điều này lý giải cho thái độ của Nga trong những ngày qua. Và bởi thế, hãy đừng biến Ukraine thành “sân chơi của các nước lớn” và cũng đừng để Ukraine trở thành “chiến trường trong cuộc chiến Đông – Tây”./.