Đây được xem là một động thái “bật đèn xanh” cho Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc gia nhập NATO để thực hiện giấc mơ hội nhập Tây Âu của mình.
Tuy nhiên, việc Ukraine có khả năng trở thành thành viên NATO lại đang “đổ thêm dầu vào lửa” đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khoét sâu thêm mâu thuẫn Nga-Ukraine cũng như Nga- phương Tây.
Chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko vừa công bố hủy bỏ quy chế không liên minh của đất nước dưới thời cựu Tổng thống Yanukovich để mở đường cho việc xin gia nhập NATO. Động thái này thể hiện sự nghiêng hẳn về phương Tây của chính quyền Ukraine.
Mọi vấn đề hiện nay liên quan đến các bước đi của Ukraine luôn nhận được hai phản ứng trái chiều từ Mỹ, EU và Nga. Dù EU không đồng quan điểm với Nga nhưng vẫn còn nhiều quyền lợi gắn liền với Nga cũng như các mối quan hệ khác vẫn còn ràng buộc đã đẩy EU vào tình thế không đồng thuận cao.
Mỹ không một lời tuyên bố rõ ràng về vấn đề này, nhưng việc Mỹ tuyên bố sẵn sàng lên kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina đã cho thấy rõ thái độ và quan điểm của Mỹ là hậu thuẫn cho Ukraine.
Trong khi đó, Moscow đã công khai nhắc nhở Kiev nên đứng ngoài mọi khối và luôn gây trở ngại. Gần đây nhất, Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng, Nga cần bảo đảm 100% rằng không một nước nào nghĩ đến việc Ukraine gia nhập NATO.
Điều này cho thấy, để bước chân vào NATO, Ukraine cũng như các bên liên quan sẽ còn cần rất nhiều thời gian và phải đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có tiền lệ.
Chính Tổng thống Ukraine, ngày 23/11, cũng phải thừa nhận rằng nước này sẽ phải mất vài năm nữa để cải cách trước khi có thể trở thành một ứng viên gia nhập NATO.
Mặc dù Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố để ngỏ cánh cửa gia nhập NATO cho Ukraine, nhưng trên thực tế Đức và Pháp lại không mặn mà với việc trao quy chế thành viên NATO cho Ukraine. Thậm chí một cựu quan chức NATO còn nói rằng Ukraine chưa từng nằm trong kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của NATO.
Ukraine trong quá khứ và hiện tại là sự hình thành từ những “mảnh ghép” với đầy rẫy sự phức tạp mang tính mâu thuẫn nhau. Trong khi đó, mỗi quốc gia dù có ủng hộ, thiện chí với Ukraine thì cũng chỉ tiếp nhận một “mảnh ghép” phù hợp với nhu cầu, lợi ích của quốc gia mình.
Mặt khác, Chính phủ hiện nay ở Ukraine đang thể hiện rất rõ quyết tâm hội nhập và trở thành thành viên của EU. Nhưng, trên thực tế thì Ukraine lại đang là quân cờ trên bàn cờ địa chính trị của các nước lớn. Điều đó đã thúc đẩy Ukraine mong muốn gia nhập NATO để làm lá chắn cho tham vọng tiến nhanh vào ngôi nhà chung EU.
Cho dù Ukraine chưa từng nằm trong kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của NATO và đến nay việc này mới chỉ bắt đầu được chính thức đặt ra, nhưng trước đó các bên liên quan đã có những phản ứng để đối phó với thái độ và diễn biến thực tế đang diễn ra ở trong và ngoài Ukraine. Trong đó, NATO tăng cường lực lượng xung quanh Nga và nước Nga cũng đã công bố một học thuyết quân sự mới.
Những động thái này của Ukraine là tín hiệu báo trước cho những bất ổn mà các thành viên EU sẽ phải đối mặt và trả giá trong tương lai và những phản ứng của các quốc gia đối với từng bước đi của Ukraine khó tìm được sự đồng thuận là điều dễ hiểu.
Việc xây dựng kịch bản coi nước Nga là kẻ thù và EU là tương lai tươi sáng đã được chính quyền đương thời ở Ukraine chuẩn bị rất kỹ trong suốt thời gian qua.
Vì thế, việc trưng cầu ý dân gia nhập NATO có lẽ chỉ còn là thủ tục pháp lý để chính quyền Kiép dễ hiện thực hóa mục tiêu hội nhập với EU.
Tuy nhiên với những toan tính này thì Ukraine có thể sớm đạt được những kết quả ban đầu một cách thuận tiện. Nhưng, hệ quả của nó không chỉ là những thách thức khó lường từ Nga mà Ukraine sẽ phải đối mặt mà bản thân EU và NATO cũng sẽ phải chất lên vai mình một gánh nặng về kinh tế, chính trị, ngoại giao không xác định được trọng lượng.
Một EU đang phải đối mặt với sự rút lui của Anh do gánh nặng về tài chính; một NATO đang phải dàn trải Đông - Tây thì tương lai đón nhận một Ukraine kiệt quệ về kinh tế, bất ổn về chính trị cộng với sự phản đối từ Nga bằng mọi giá … thì dù với kịch bản nào cho Ukraine trong vấn đề này cũng sẽ là bi kịch cho EU và NATO.
Mặt khác, nếu Ukraine gia nhập NATO sẽ đặt ra các thách thức về xung đột quyền lợi giữa Tây Âu và Mỹ với Nga trở nên khó kiểm soát và động thái này rất dễ trở thành tác nhân quan trọng làm thay đổi bản chất của những thách thức quân sự hiện có và sẽ là nguy cơ đe dọa phá vỡ sự ổn định về địa chính trị toàn cầu.
Mặc dù Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố để ngỏ "cánh cửa" gia nhập NATO cho Ukraine, song sức nặng vẫn đè lên vai các nhà cầm quyền Kiev khi con đường hội nhập phương Tây được dự báo còn dài và tương đối chông gai.
Và có lẽ, Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào cũng cần tỉnh táo để nhìn đúng con đường đi của mình, tránh để rơi vào những kịch bản tồi tệ vì không cân bằng được các mối quan hệ đối ngoại./.