Vẫn thận trọng dù có tỷ lệ tiêm chủng cao
Bồ Đào Nha, quốc gia từng đối mặt với đợt bùng phát dịch do biến thể Delta, hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu và đang hướng tới việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Tại thủ đô Lisbon, các sân vận động đã chật kín người hâm mộ. Chính phủ Bồ Đào Nha đã dỡ bỏ quy định giới hạn sức chứa 30% khán giả tại các sân vận động. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa trở lại như trước khi đại dịch bùng phát. Người hâm mộ cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc xác nhận đã phục hồi Covid-19. Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc tại các sân vận động.
Theo chính phủ Bồ Đào Nha, gần 100% người trên 50 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Tỷ lệ này ở những người từ 25-49 tuổi là 95% và từ 12-17 tuổi là 88%. Dữ liệu từ Our World in Data cho thấy, khoảng 89% trong tổng số 10 triệu dân Bồ Đào Nha đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Bồ Đào Nha ghi nhận trung bình 6 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày trong tháng 9, giảm mạnh so với gần 300 ca tử vong mỗi ngày vào tháng 1. Số ca tử vong do Covid-19 ở Bồ Đào Nha giảm xuống 1-2 ca trong tháng 5 và tháng 6, trước khi tăng lên khoảng 20 ca vào tháng 7. Số ca mắc bệnh và số ca nhập viện hàng ngày đã có xu hướng giảm kể từ mùa hè. Cả nước hiện ghi nhận trung bình khoảng 750 ca bệnh mới mỗi ngày, so với gần 13.000 ca vào hồi tháng 1. Số ca nhập viện ở mức 320 ca, giảm từ mức đỉnh điểm gần 6.700 ca.
Ngày 1/10, Bồ Đào Nha đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng Covid-19, nhưng cuộc sống ở thủ đô Lisbon vẫn có dư âm của thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Trạm rửa tay vẫn xuất hiện ở khắp nơi và một số nhà thờ vẫn duy trì giãn cách xã hội dù không bắt buộc. Người dân tham gia các sự kiện lớn phải trình chứng nhận tiêm chủng và đeo khẩu trang là quy định bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, tại trường học đối với học sinh trên 10 tuổi và tại nhà hàng, quán bar.
Việc trở lại cuộc sống bình thường một cách thận trọng của Bồ Đào Nha, dù có tỷ lệ tiêm chủng khiến nhiều nước phải “ghen tị”. Cách tiếp cận của Bồ Đào Nha trái ngược với Anh, nơi đã dỡ bỏ mọi hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong trong thời gian gần đây.
“Tôi cần khách du lịch, nếu không công việc kinh doanh của tôi sẽ bị đình trệ. Nhưng khi nhìn vào số ca lây nhiễm mỗi ngày và nếu nó tăng lên một chút, tôi cảm thấy lo lắng. Tôi hy vọng đại dịch ở Bồ Đào Nha sẽ qua đi, nhưng tôi vẫn lo lắng về những gì có thể xảy ra khi mùa đông tới”, Paula Marques, chủ một cửa hàng đồ lưu niệm ở Lisbon, cho biết.
Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu
Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi đầu năm 2020, Bồ Đào Nha là quốc gia không chịu ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đã gia tăng vào tháng 11/2020 và sau đó tăng vọt vào tháng 1/2021. Điều này đã phá vỡ hy vọng của một số người cho rằng quốc gia ở Tây Nam châu Âu có thể thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch.
Vào tháng 1, thời kỳ đỉnh địch tại Bồ Đào Nha, mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 290 ca tử vong do Covid-19.
Maria Mota, giám đốc điều hành của Viện Y học Phân tử Lisbon, vẫn chưa quên những ký ức về dịch bệnh hồi tháng 1. Nhìn từ cửa sổ phòng thí nghiệm vào một buổi tối, bà đã thấy 52 chiếc xe cứu thương xếp hàng bên ngoài phòng cấp cứu của bệnh viện lớn nhất đất nước để chờ chuyển bệnh nhân vào viện.
Tiến sĩ Mota cho biết, Bồ Đào Nha đang ở trong “thời kỳ chuyển tiếp”, có khả năng sẽ coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Với những ký ức ám ảnh về dịch bệnh hồi tháng 1 và những điều có thể sẽ xảy ra vào mùa đông, bà Mota tin rằng người dân Bồ Đào Nha sẽ đều thận trọng.
“Không ai có thể quên được thời điểm hồi tháng 1, nhưng giờ đây Covid-19 giống như một căn bệnh đặc hữu và chúng ta cần học cách sống chung với đại dịch. Gần như toàn bộ dân số đã tiêm chủng, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan, điều này cho thấy dịch bệnh sẽ không biến mất”, bà Mota nói.
Nhờ có tỷ lệ tiêm chủng cao, Bồ Đào Nha đã ngăn chặn được sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong do Covid-19.
“Mọi thứ đang trở nên tốt hơn, nhưng cần thận trọng. Chúng ta đang tiến từng bước nhỏ. Chúng ta lạc quan và hy vọng rằng quá trình trở lại cuộc sống bình thường sẽ tiếp tục”, Miguel Campos, người chở khách du lịch quanh Lisbon, cho biết.
Người dân Bồ Đào Nha cho rằng chiến dịch tiêm chủng của nước này thành công là nhờ ông Henrique Gouveia e Melo, người điều hành chương trình tiêm vaccine. Theo các chuyên gia y tế, ông Henrique đã khai thác thành công sự ủng hộ của người dân đối với việc tiêm chủng. Việc triển khai vaccine bắt đầu vào tháng 1, thời điểm dịch bệnh ở Bồ Đào Nha tồi tệ nhất, đã tạo động lực cho người dân đi tiêm chủng.
Bồ Đào Nha là quốc gia có niềm đam mê dành cho bóng đá và việc các sân vận động hoạt động hết công suất có ý nghĩa đối với nhiều người. Tây Ban Nha, cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu, gần đây đã cho phép các sân vận động hoạt động hết công suất, nhưng không chưa được bán đồ ăn. Trong tháng 10, Italy đã tăng sức chứa khán giả tại sân vận động từ 50% lên 75%. Trong khi đó, ở hầu hết các khu vực tại Đức, các hạn chế tại sân vận động vẫn được duy trì.
“Đã đến lúc mở cửa mọi thứ bởi nếu ai đó chưa tiêm chủng vào thời điểm này, họ sẽ không bao giờ tiêm vaccine”, Hugo Vale, một kỹ sư 32 tuổi, nói khi uống bia cùng bạn bè bên ngoài sân vận động trước trận đấu Benfica-Bayern./.