Kể từ khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào tháng 8/2021 và củng cố quyền kiểm soát phần còn lại của Afghanistan, Taliban đã ráo riết tham gia đàm phán ngoại giao để chấm dứt tình trạng bị cô lập về kinh tế và chính trị của đất nước.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã phá hủy nền kinh tế Afghanistan, cùng với hạn hán, đã khiến nhiều khu vực của đất nước rơi vào cảnh thiếu lương thực trong mùa đông. Taliban đặt hy vọng vào Pakistan, quốc gia từ lâu đã ủng hộ lực lượng này, và vào Trung Quốc.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối công nhận chính phủ mới của Afghanistan do Taliban thành lập. Vào tháng 8/2021, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ “sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan”. Vào tháng 9/2021, Trung Quốc cam kết viện trợ 31 triệu USD thực phẩm, thuốc men, vaccine Covid-19 và các khoản viện trợ khác cho Afghanistan.
“Đại sứ quán Trung Quốc vẫn mở cửa ở Kabul và hoạt động bình thường. Các hoạt động tương tác vẫn diễn ra và họ đang thực hiện các dự án trong các lĩnh vực khác nhau để giúp đỡ Afghanistan”, Bilal Karimi, người phát ngôn của Taliban tại Bộ Thông tin Afghanistan, cho biết.
Nền kinh tế Afghanistan, vốn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, đã bị tê liệt do nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế đóng băng.
Năm 2021, Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất của Afghanistan, nhưng Washington đã đóng băng các quỹ của chính phủ cũ, khiến hệ thống tài chính và thương mại tê liệt. Chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan đã yêu cầu sự giúp đỡ từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh, cùng với sự hỗ trợ của Pakistan.
Tiến hành một cách thận trọng
Nhưng liệu Trung Quốc có giúp Taliban tái thiết Afghanistan hay không vẫn là một câu hỏi lớn khi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh thường tập trung vào an ninh trong nước. “Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đóng vai ‘vị cứu tinh’ ở Afghanistan”, Yun Sun, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), nói.
Trung Quốc chưa chính thức công nhận chính phủ mới do Taliban thành lập ở Afghanistan. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh sẵn sàng viện trợ cho Afghanistan thể hiện sự tán thành thận trọng đối với việc tiếp quản đất nước của Taliban.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc có đủ nguồn lực để trở thành một trong những nước giúp đỡ lớn nhất trong khu vực của Taliban. Bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Afghanistan, Trung Quốc sẽ thí điểm một nguyên tắc chính sách đối ngoại có tổ chức, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng như một phương tiện để ổn định.
Bởi vậy, Afghanistan sẽ dựa vào các nước trong khu vực, đặc biệt là Pakistan, quốc gia cũng tin rằng phát triển có thể là một phần quan trọng của hòa bình trong tương lai ở Afghanistan.
“Đó là cách tiếp cận của Trung Quốc và Pakistan. Đó là một cách tiếp cận hợp lý”, Raoof Hasan, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan, nói.
Ông Hasan cho biết, hỗ trợ chính phủ của Taliban thông qua phát triển là một nỗ lực mà nhiều bên trong khu vực cho là cần thiết để ngăn chặn tình trạng nghèo đói, tuyệt vọng, có thể dẫn đến bất ổn.
Viễn cảnh Trung Quốc đổ viện trợ vào Afghanistan thông qua đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng là điều không khó xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử đầu tư của Trung Quốc vào Afghanistan, sự không tin tưởng vào Taliban và lo ngại về sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan khiến các quyết định đầu tư trở nên phức tạp hơn.
Các nhà phân tích nhận định, nguy cơ khủng bố xuất phát từ Afghanistan vẫn là mối đe dọa đối với Trung Quốc, ngay cả khi Taliban đang cố gắng kiểm soát tình hình.
Bất chấp sự đảm bảo của Taliban rằng Afghanistan sẽ không phải là căn cứ của các phần tử cực đoan, Bắc Kinh vẫn gặp khó khăn trước viễn cảnh hệ tư tưởng của Taliban lan rộng trong khu vực.
Cùng nhau hợp tác
Theo Mushahid Hussain Sayed, thượng nghị sĩ Pakistan và là cựu Chủ tịch Viện Trung Quốc-Pakistan, Pakistan từ lâu đã phải vật lộn với vấn đề khủng bố trong nước nên họ ủng hộ sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Afghanistan vì biết rằng để xảy ra tình trạng bất ổn là điều có hại. Để làm được điều này, Pakistan và Trung Quốc phải làm việc với chính phủ Taliban.
Hamayoun Khan, chuyên gia về các vấn đề chiến lược tập trung vào mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan, cho biết, Trung Quốc và Pakistan đã là đồng minh thân thiết trong nhiều thập kỷ qua và việc Taliban tiếp quản Afghanistan sẽ không thay đổi điều đó.
Có một lý do khác khiến Trung Quốc và Pakistan muốn hợp tác về vấn đề Afghanistan đó là xây dựng khối kinh tế vững mạnh ở khu vực Nam Á để chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ. Mối quan hệ của Pakistan với Mỹ, từng là đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố, đã có phần nguội lạnh trong những năm cuối của cuộc chiến ở Afghanistan.
Gìn giữ hòa bình
Pakistan đã rất nỗ lực để bảo vệ biên giới dài 2.640 km với Afghanistan bằng cách xây dựng một hàng rào nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố và những người tị nạn có tư tưởng cực đoan. Đối với Trung Quốc, mối đe dọa từ các nhóm khủng bố từ Pakistan cũng là một điều đáng lo ngại.
Khả năng của Pakistan trong việc kiềm chế các mối đe dọa khủng bố sẽ là một yếu tố chính trong quá trình ra quyết định của Trung Quốc. “Có những yếu tố ở cả Afghanistan và Pakistan mà Pakistan cũng không thể kiểm soát hoàn toàn được”, ông Yun Sun nói.
Nếu bộ máy an ninh của Pakistan không giữ vững được, niềm tin của Bắc Kinh vào đồng minh sẽ bị lung lay. Ảnh hưởng của Pakistan cũng sẽ gặp thách thức nếu sự trỗi dậy của Taliban dẫn đến nhiều hoạt động khủng bố trong khu vực./.