Ngay khi ngày Shabbath (ngày nghỉ và là ngày thứ bảy trong Do Thái giáo) vừa kết thúc vào tối 14/9, từ thủ đô Washington, Tổng thống Trump đã có những tuyên bố liên quan đến Israel trước thềm bầu cử.

thutuongisrael_yjve.jpg
Một tấm banner bầu cử khổng lồ của đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu được treo trước một tòa nhà tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: CNN

Nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter rằng ông đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "để thảo luận về khả năng tiến tới" một hiệp ước quốc phòng giữa hai nước. Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu đã cảm ơn Tổng thống Mỹ và cho biết Israel chưa bao giờ có một người bạn nào tốt hơn ông Trump ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel Amos Yadlin cho biết tuyên bố trên "rõ ràng là một chiến dịch tuyên truyền tranh cử".

Chuyên gia này cũng nhận định một hiệp ước quốc phòng giữa 2 nước sẽ đem lại một số lợi ích song chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chi phí và hạn chế sự tự do trong hành động của Israel khi nước này cần tự vệ.

Ngoài ra, một hiệp ước như vậy cũng sẽ khiến Israel phải chiến đấu trong các cuộc chiến tranh của Mỹ ngay cả khi những cuộc chiến này hầu như không có gì liên quan đến an ninh của Israel, ông Yadlin cho biết thêm.

Tuy nhiên, đằng sau các tuyên bố của ông Trump hôm 14/9 là những câu hỏi được đặt ra, đặc biệt là việc liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng làm mọi thứ cho ông Netanyahu trước thềm bầu cử ở Israel hay không?

Trước cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019, Tổng thống Trump đã công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, "đảo ngược" chính sách ngoại giao của Mỹ trong hàng thập kỷ.

Tổng thống Mỹ cũng điều Ngoại trưởng Pompeo tới thăm Bức tường phía Tây cùng với ông Netanyahu. Đây là động thái chưa từng có do tính chất nhạy cảm về ngoại giao ở thành phố cổ Jerusalem.

Ngoài ra, ông Trump còn liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một nhóm khủng bố và đây cũng là lần đầu tiên Mỹ liệt một tổ chức chính phủ nước ngoài vào danh sách này.

Thủ tướng Israel Netanyahu dường như luôn được Tổng thống Trump "ưu ái" tặng những "món quà" vào những thời điểm quyết định, song đề xuất về một hiệp ước quốc phòng mới đây của lãnh đạo Nhà Trắng có thể lại là một vấn đề khác. Nó không chỉ khiến các chuyên gia an ninh lo ngại mà còn khiến các chính trị gia của Israel đặt ra nhiều câu hỏi.

Moshe Ya'alon - người từng hoạt động trong đảng Likud của ông Netanyahu và hiện là một quan chức cấp cao trong đảng Xanh và Trắng đối lập đã viết trên Twitter rằng liệu mỗi chiến dịch của Israel có cần sự chấp nhận của Washington và liệu những người lính Israel có phải chiến đấu trên các chiến trường Afghanistan và Iraq hay không?

Tổng thống Trump vẫn rất được ủng hộ ở Israel, thậm chí còn hơn cả ở Mỹ. Cho tới gần đây, chỉ có một số đảng chính trị cực tả ở Israel chỉ trích ông. Tuy nhiên, việc các chính trị gia trung lập chỉ trích kế hoạch về hiệp ước quốc phòng đã cho thấy những cử tri Israel không còn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ Tổng thống Trump làm hoặc nói là "tốt cho Israel" nữa.

Và điều đó chắc chắn khiến Thủ tướng Netanyahu phải lo ngại. Nhà lãnh đạo Israel đã rơi vào tình thế khó xử bởi 2 động thái của Tổng thống Trump vào tuần trước.

Thứ nhất, việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton là một tổn thất với ông Netanyahu khi mà cả ông Bolton và Thủ tướng Israel đều có cùng quan điểm cứng rắn đối với Iran. Việc ông Bolton rời Nhà Trắng đã cho thấy lập trường mềm mỏng hơn của chính quyền Tổng thống Trump với Tehran - một "tin xấu" dành cho Thủ tướng Netanyahu.

Chỉ 1 giờ sau khi ông Netanyahu tiết lộ hôm 9/9 rằng Israel tìm thấy 1 cơ sở hạt nhân bí mật ở Iran, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Rouhani.

Ngoài ra, việc sa thải ông Bolton cũng ảnh hưởng đến lời hứa trước tranh cử của ông Netanyahu về việc sáp nhập phần Bờ Tây nếu ông giành chiến thắng.

Dù vậy, có thể Tổng thống Trump vẫn sẽ đưa ra một vài tuyên bố ủng hộ ông Netanyahu trong ngày bầu cử song nhìn từ viễn cảnh của Thủ tướng Israel, có thể mọi thứ ông Trump dành cho ông không phải lúc nào cũng là một "món quà"./.