Theo kết quả sơ bộ của vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron - ứng cử viên theo đường lối trung dung và là một trong những nhà lãnh đạo thân EU nhất, đã tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu khoảng 58%, tiếp tục điều hành nước Pháp trong 5 năm tới, còn Marine Le Pen nhận được khoảng 42% phiếu bầu.  

Ông Macron là tổng thống Pháp đầu tiên giành được nhiệm kỳ thứ 2 trong 2 thập kỷ qua. Nhưng kết quả bầu cử cũng đánh dấu một bước tiến mới của phe cực hữu và cho thấy một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc.

Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Macron, 44 tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kỳ thứ 2, trước hết là cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6/2026. Nếu đảng cầm quyền và liên minh không giành được đa số ghế, ông Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các chính sách cải cách, nhất là cải cách hưu trí. Tại một số thành phố của Pháp, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình để phản đối kết quả bầu cử. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tám đám đông người biểu tình ở Paris và phía tây thành phố Rennes.

Kỷ nguyên mới của nước Pháp

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng tại quảng trường Champ de Mars ở trung tâm thủ đô Paris, ông Macron cho biết sẽ xoa dịu sự giận dữ của những cử tri ủng hộ phe cực hữu, khẳng định rằng nhiệm kỳ mới của ông sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi so với 5 năm vừa qua.

Trước hàng nghìn người ủng hộ, ông Macron nói: “Cần phải tìm ra câu trả lời cho sự tức giận và bất đồng đã khiến nhiều cử tri của chúng ta bỏ phiếu cho phe cực hữu. Đó sẽ là trách nhiệm của tôi và những cộng sự”.

Tổng thống Macron cũng cam kết tìm ra một “phương pháp đổi mới” để điều hành đất nước, lưu ý “kỷ nguyên mới này” sẽ không phải là “sự tiếp nối của nhiệm kỳ đã qua”. Tổng thống Macron nhấn mạnh, ông không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là "tổng thống của tất cả mọi người", khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới của ông.

Về phần mình, ứng viên đảng cực hữu của Pháp Marine Le Pen, 53 tuổi đã thừa nhận thất bại. Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ tại Paris, bà Le Pen cho biết bà chấp nhận kết quả nhưng vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi con đường chính trị và cho rằng kết quả bầu cử thể hiện “một chiến thắng rực rỡ” của phe cực hữu.

Bà khẳng định sẽ “không bao giờ từ bỏ” người dân Pháp và đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra: “Tối nay, chúng tôi khởi động trận chiến lớn cho cuộc bầu cử lập pháp”. Bà cũng kêu gọi những cử tri phản đối ông Macron ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (National Rally - RN).

“Trông cậy vào nước Pháp”

Cách biệt giữa 2 ứng cử viên trong vòng bầu cử này hẹp hơn so với cách biệt trong vòng bầu cử thứ 2 vào năm 2017. Ở thời điểm đó ông Macron giành được hơn 66% phiếu bầu. Riêng đối với bà Le Pen, thất bại lần thứ 3 của bà trong các cuộc bầu cử tổng thống sẽ là “viên thuốc đắng” sau nhiều năm nhân vật này nỗ lực khẳng định vị thế của bản thân và dẫn dắt đảng RN đi xa hơn so với đường lối của người sáng lập là ông Jean-Marie Le Pen - cha của bà.

Những người chỉ trích cho rằng, đảng RN không ngừng cực hữu và phân biệt chủng tộc, còn ông Macron thì phê phán kế hoạch của bà Le Pen cấm mang khăn trùm đầu của người Hồi giáo tại nơi công cộng.

Kết quả bầu cử đã khiến châu Âu “thở phào nhẹ nhõm” sau những lo ngại về việc bà Le Pen có thể đắc cử tổng thống và đặt ra nhiều thách thức mới sau khi châu Âu trải qua một loạt biến động lớn như Brexit và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rời nhiệm sở.

Thủ tướng Italy đã gọi chiến thắng của ông Macron là “tin tức tuyệt vời cho toàn bộ châu Âu”, còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết cử tri Pháp đã gửi cam kết mạnh mẽ tới châu Âu.

Chủ tịch EU Charles Michel khẳng định, Liên minh châu Âu giờ đây có thể “trông cậy vào Pháp trong 5 năm nữa”. Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đã lên tiếng chúc mừng ông Macron, nói rằng bà “rất vui khi có thể tiếp tục sự hợp tác tuyệt vời” giữa các bên.

Tổng thống Macron hiện đang đặt kỳ vọng vào một nhiệm kỳ thứ 2 ít thách thức hơn, cho phép ông thực hiện tầm nhìn về những biện pháp cải cách có lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp và hội nhập chặt chẽ hơn với châu Âu. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Macron đã trải qua rất nhiều sóng gió, trong đó có việc đối phó với các cuộc biểu tình, dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tuy vậy, ông sẽ phải tìm cách giành được sự ủng hộ của những cử tri đã bỏ phiếu cho đối thủ Le Pen và hàng triệu người Pháp đã vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử. Các tổ chức thăm dò cho biết, số cử tri đi bỏ phiếu tại Pháp chỉ đạt 72%, mức thấp nhất trong số các cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 kể từ năm 1969.

Theo ước tính có khoảng 6,45% cử tri bỏ phiếu trắng, còn 2,35% có lá phiếu không hợp lệ. Ứng cử viên cánh tả cứng rắn Jean-Luc Melenchon – người đứng thứ 3 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, đã từ chối công nhận chiến thắng của ông Macron./.