“Đi trên dây” để tránh khiêu khích Nga

Thậm chí sau khi Tổng thống Biden ký thông qua quyết định cung cấp Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine vào tuần trước, chính quyền Mỹ vẫn đối mặt với chỉ trích từ các đồng minh NATO và Quốc hội Mỹ rằng sự hỗ trợ này đến "quá ít và quá muộn". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai đề nghị Tổng thống Biden hỗ trợ các vũ khí tầm xa trong gần 2 tháng qua.

Trên thực tế, chính quyền Mỹ đã "bàn tới bàn lui" trong hơn 1 năm vừa rồi về việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Những người ủng hộ thái độ dè chừng của chính quyền Tổng thống Biden cho rằng đây là một hướng tiếp cận thận trọng để đối phó với Nga - nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trước nguy cơ xung đột ở Ukraine có thể leo thang thành cuộc chiến rộng hơn. Hiện tại, Nga vẫn có thể khiến Mỹ phải “đau đầu” trong một số lĩnh vực, từ thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới việc sản xuất dầu của OPEC và an ninh mạng.

Chính quyền Tổng thống Biden đã dành hơn 4,6 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra - nhiều hơn bất kỳ sự hỗ trợ nào của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm. Tuy nhiên, sự thận trọng này cũng đã khiến một số quan chức trong và ngoài chính phủ Mỹ không hài lòng bởi họ lo ngại những rủi ro của việc Mỹ và NATO trì hoãn cung cấp những vũ khí hiện đại cho Ukraine nhằm hỗ trợ nước này đẩy lùi các cuộc tiến công của quân đội Nga.

Thậm chí, từ khi Nga bắt đầu tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine vào năm ngoái, các quan chức Mỹ đã đặt ra lo ngại rằng, việc cung cấp vũ khí hoặc hỗ trợ cho Ukraine có thể khiến tình hình leo thang căng thẳng. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã 2 lần trì hoãn cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine, một lần vào tháng 6 và lần thứ hai vào tháng 12/2021. Mỹ cũng từng cân nhắc hủy cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Lục quân Mỹ ở châu Âu do lo ngại Nga có thể coi đó là hành vi leo thang. Cho tới cả ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, hầu hết các tên lửa Javelin Mỹ và phương Tây cung cấp cho Kiev từ năm 2017 vẫn nằm trong kho ở phía Tây Ukraine, cách xa biên giới.

Xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì sau khi Tổng thống Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự ngày 24/2 sau nhiều tháng tăng cường lực lượng. Trong những ngày đầu tiên cuộc chiến nổ ra, khi các báo cáo của tình báo Mỹ lo ngại rằng chính quyền Kiev sẽ bị lật đổ chỉ trong một vài ngày, đã có một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra trong chính quyền Tổng thống Biden về tính hợp pháp của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo, Moscow có thể coi Washington là một bên tham chiến. Cũng phải sau một cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, chính quyền Tổng thống Biden mới chấp nhận thông qua việc chuyển các tên lửa phòng không cho Ukraine.

Nội bộ Mỹ và phương Tây chia rẽ

Các quan chức Ukraine cho rằng, sự e dè của Mỹ khi tránh khiêu khích Nga có thể dẫn đến việc Washington tiếp tục trì hoãn cung cấp những vũ khí mà Kiev cần để giành chiến thắng. Hồi tháng 3, Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Ukraine qua căn cứ của Mỹ tại Đức. Các quan chức Mỹ đã công khai gọi đề xuất này là "không hợp lý" bởi lo ngại Nga có thể coi động thái trên là một hành vi khiêu khích.

Gần đây nhất, Mỹ từ chối cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) dùng loại đạn dẫn đường có thể nhắm trúng mục tiêu cách xa gần 300 km, bất chấp lời kêu gọi không công khai của các quan chức ở nhiều cấp khác nhau của Ukraine kèm theo lời cam kết rằng họ sẽ không sử dụng các vũ khí tầm xa để nhắm vào lãnh thổ Nga - động thái chính quyền Tổng thống Biden lo ngại có thể mở rộng cuộc xung đột.

"Theo tôi, lập trường bao quát của họ trong việc ra quyết định là nhằm tránh xung đột với Nga", Andrea Kendall-Taylor, giám đốc chương trình an ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho hay. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Biden ngày càng cho thấy họ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí tinh vi và mạnh mẽ hơn giữa bối cảnh cuộc xung đột bước sang giai đoạn mới.

"Cái gọi là rằn ranh đỏ hay Mỹ coi là động thái làm leo thang căng thẳng đã dịch chuyển. Điều này đặt chúng ta vào vị trí có phần nguy hiểm khi mà cả 2 bên đều không nhận ra lằn ranh đỏ của đối phương là gì", nhà quan sát Kendall-Taylor đánh giá.

Hiện nay, hầu hết các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Mỹ và Nga, trong đó có các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân, đã tạm dừng. Một số bên tin rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hành động để không khiêu khích Nga thay vì tập trung vào những gì Ukraine cần trên chiến trường. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov bình luận trong một tuyên bố rằng, nguy cơ Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các thành phố Nga là điều mà điện Kremlin "không thể chấp nhận và không thể tha thứ được".

Chính quyền Tổng thống Biden đã thảo luận về việc liệu có nên coi những tuyên bố của Tổng thống Putin và các quan chức Nga là lằn ranh đỏ mà Moscow vạch ra hay không. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm ngắn do lo ngại các vũ khí tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Nga.

Cuộc tranh luận này cũng bắt đầu nóng lên và chia rẽ châu Âu. Trong khi các nước Đông Âu tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine thì các nước Tây Âu thúc đẩy một hướng tiếp cận khác với Tổng thống Putin. Phát biểu trước báo giới cuối tuần trước, những phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm dấy lên nhiều tranh cãi khi cho rằng phương Tây không nên "làm bẽ mặt Nga".

Các quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia nhận định với Foreign Policy rằng Mỹ không cố gắng yêu cầu Tổng thống Zelensky ưu tiên đàm phán để kết thúc chiến tranh. Bởi vì lập trường của Tổng thống Biden là tránh kéo Mỹ vào cuộc xung đột với Nga nên các quan chức trên cho biết họ đang đánh giá tình hình đối với việc quyết định cung cấp vũ khí để xem liệu điều đó có dẫn tới mất cân bằng quyền lực giữa Nga và phương Tây hay không, trong khi đồng thời đảm bảo rằng Nga không thể tiến hành những chiến dịch quân sự tương tự trong tương lai. Một số quan chức chỉ ra rằng Mỹ sẽ không giới hạn sự hỗ trợ và sẽ cung cấp những vũ khí hiện đại hơn nếu tình hình chiến trường ở Ukraine thay đổi.

Một số quan chức Mỹ và Ukraine cho rằng, lo ngại leo thang căng thẳng với Ngagiống như một hình thức tự bại trận bởi điều đó hạn chế Mỹ cung cấp cho Ukraine những vũ khí hiện đại nhất có thể đảo chiều cuộc chiến thay vì một cuộc chiến kéo dài bởi quân đội Nga được trang bị những vũ khí tốt hơn.

Một quan chức Ukraine cho rằng, nếu được cung cấp 200 tên lửa tầm xa ATACMS, Ukraine có thể khiến tình hình thay đổi.

Trung Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu hiện làm việc ở Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho rằng: "Chúng tôi tin rằng nếu tình hình cuối cùng dẫn tới cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ, Thế chiến III sẽ nổ ra".

Ông Hodges thừa nhận Tổng thống Biden đối mặt với "sức ép to lớn" trước những đánh giá về rủi ro của một cuộc chiến lan rộng với Nga. Dù vậy, ông đánh giá, cho tới nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ tiến hành động thái gây leo thang nghiêm trọng, chẳng hạn như tấn công hạt nhân để phản ứng trước việc Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phóng hàng loạt./.