Tương lai của Afghanistan đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết trong bối cảnh Taliban trỗi dậy trên khắp đất nước sau khi Mỹ sẽ rút hết quân trước 31/8. Hầu hết các nhà quan sát dự đoán một giai đoạn nội chiến gia tăng nếu nhóm vẫn bị hầu hết các nước coi là khủng bố không thể chiếm các thành phố chính của Afghanistan hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Kết quả là sự hỗn loạn có thể tạo ra cơ hội nguy hiểm cho Nhà nước Hồi giáo Iraq và tỉnh Levant - Khorasan (ISIS-K - một nhánh của nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đang hoạt động ở Nam Á và Trung Á - ND) mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này và thậm chí trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với Trung và Nam Á.

Với việc Mỹ từ bỏ các cam kết chống khủng bố của mình, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization - SCO - phải đảm bảo an ninh khu vực. Hiện tại, tổ chức này bao gồm hầu hết các nước Cộng hòa Trung Á (CAR, ngoại trừ Turkmenistan), Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga; Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ là các quan sát viên; Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ là các đối tác đối thoại.

Các sứ mệnh tại Afganistan của SCO là cùng nhau đương đầu với các nguy cơ khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan; tìm kiếm một giải pháp chính trị; cũng như tăng cường hợp tác kinh tế giữa các thành viên. Gần 1.600 binh sĩ Afghanistan được cho là đã chạy sang Tajikistan trong những tuần gần đây để tránh các đợt tấn công của Taliban ở miền Bắc Afghanistan. Sputnik đưa tin Taliban không có bất kỳ kế hoạch bành trướng nào trong khu vực. Do đó, rất ít khả năng họ gây ra mối đe dọa cho Tajikistan hoặc bất kỳ CAR nào khác.

Mặc dù vậy, sự không chắc chắn về tương lai của Afghanistan có thể dẫn đến dòng người tị nạn quy mô lớn, đặc biệt nếu ISIS-K lợi dụng tình hình. Vì lý do này, Tổng thống Putin gần đây đã hứa với người đồng cấp Tajikistan sẽ hỗ trợ đầy đủ cho việc đảm bảo an ninh biên giới. Không có nghi ngờ gì về việc căn cứ quân sự của Nga tại Tajikistan thừa khả năng hoàn thành sứ mệnh này nếu được yêu cầu, nhưng nó vẫn là cơ hội tuyệt vời cho các thành viên của SCO hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh.

Cho đến nay, Cơ cấu chống khủng bố khu vực (Regional Anti-Terrorist Structure - RATS) của tổ chức này vẫn chưa có bất kỳ hành động thực tế nào. SCO bao gồm các thành viên rất đa dạng, ngoài các cuộc tập trận phần lớn mang tính biểu tượng thỉnh thoảng được tổ chức, thiếu sự phối hợp an ninh thực chất. Hiệu quả sẽ được nâng cao nếu Tajikistan yêu cầu sự hỗ trợ của Tổ chức, ngay cả khi chỉ với mục đích hoạt động như một cuộc "tập trận thực binh" để hỗ trợ sứ mệnh do Nga dẫn đầu.

Điều đó không nhất thiết phải cử binh sĩ vì cũng có thể được thực hiện bằng cách chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn cũng như cung cấp hỗ trợ vật chất có liên quan thông qua cấu trúc này. Mặc dù Ấn Độ đang có vấn đề với Trung Quốc và Pakistan, nhưng tất cả họ đều có thể gạt sự khác biệt của mình sang một bên vì lợi ích của chủ nghĩa thực dụng để có được kinh nghiệm an ninh đa phương có thể được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng khu vực trong tương lai, ở Afghanistan hoặc nơi khác.

Sứ mệnh thứ hai của SCO đối với Afghanistan là nỗ lực khuyến khích một thỏa hiệp chính trị giữa Kabul và Taliban. Reuters đưa tin vào đầu tuần rằng, Taliban dự định trình bày một kế hoạch hòa bình trong các cuộc đàm phán vào tháng tới, đóng vai trò như một tối hậu thư để ngăn cản suy đoán họ có kế hoạch tấn công thủ đô. Taliban phủ nhận họ đang lên kế hoạch nghiêm túc bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy, nhưng các nhà quan sát lo ngại nó có thể trở thành điều không thể tránh khỏi, nếu Kabul từ chối tuân theo yêu cầu của họ.

Để tránh những bất ổn có thể xảy ra sau các chiến dịch đó, SCO cần thấy rõ lợi ích nếu Taliban và Kabul đạt được một thỏa thuận trong vòng đàm phán tiếp theo. Chính phủ Afghanistan đa phần đã mất tinh thần trước việc rút quân của Mỹ, và đồng minh chính thức của họ là Mỹ, sẽ có ít khả năng bảo vệ họ hơn bao giờ hết sau khi rút quân, vì vậy kịch bản này thực sự có thể xảy ra.

Sứ mệnh thứ ba mà SCO có thể giúp Afghanistan là vạch ra những nét cơ bản của một đề xuất hội nhập kinh tế khu vực toàn diện để cho tất cả các bên liên quan trong nước thấy hòa bình thực sự sẽ vì lợi ích tốt nhất của mọi người. Thỏa thuận hồi tháng 2 giữa Pakistan, Afghanistan và Uzbekistan về xây dựng một tuyến đường sắt ba bên (thường được gọi là PAKAFUZ) có thể mở ra tiềm năng hội nhập siêu lục địa của đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh bằng cách cuối cùng gắn kết Trung và Nam Á với nhau.

Điều đó có thể dẫn đến việc thành lập một trục kinh tế mới trải dài từ Nga ở Đông Âu đến tận Ấn Độ ở Nam Á có thể được gọi là Hành lang SCO. Đề xuất đầy tham vọng này nên được SCO bắn tin tới Kabul và Taliban với sự hỗ trợ của tất cả các thành viên cho vòng đàm phán hòa bình tiếp theo vào tháng 8. Không có đủ thời gian để xác định chi tiết chính xác, nhưng mỗi quốc gia vẫn có thể cam kết điều gì đó đối với kế hoạch này, về hỗ trợ tài chính (viện trợ không hoàn lại và/hoặc khoản vay) cũng như chuyên môn kỹ thuật.

Điều quan trọng nhất là cả hai bên tham chiến (đặc biệt là Kabul) đều nhận ra rằng đi đến một thỏa hiệp thực dụng sẽ phù hợp với các lợi ích Âu-Á, không chỉ của riêng họ; và khối đa cực hứa hẹn nhất của siêu lục địa này có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả đó. SCO phải gạt bỏ một số khác biệt của các thành viên đối kháng để cùng đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy cho mục đích này. Thiện chí và sự tin tưởng rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc này có thể được nâng cao rất nhiều thông qua đề xuất trước đó về việc cung cấp hỗ trợ an ninh đa phương cho Tajikistan.

Để kết hợp mọi thứ lại với nhau, SCO có trách nhiệm đi đầu trong việc đảm bảo để tình hình Afghanistan không sớm vượt quá tầm kiểm soát và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc mở rộng khu vực của ISIS-K. Khối này chỉ có thể thực hiện được điều đó bằng cách cùng nhau ngăn chặn những mối đe dọa khủng bố đối với các nước láng giềng như Tajikistan, khuyến khích Kabul và Taliban đạt được một thỏa hiệp chính trị trong vòng đàm phán hòa bình tiếp theo vào tháng 8 để ngăn chặn sự gia tăng nội chiến ở Afghanistan và hỗ trợ rất nhiều cho những điều đã đề cập ở trên bằng cách đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy để biến Afghanistan thành trung tâm của Hành lang SCO từ Đông Âu đến Nam Á.

Các yêu cầu này được coi là quá sức đối với một tổ chức chưa từng đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự, chưa nói đến một sự kiện khẩn cấp như nội chiến Afghanistan, nhưng một số trong những gì đã được đề xuất vẫn có thể được hoàn thành miễn là có ý chí chính trị./.