Phương pháp tấn công quân sự mới bằng phi cơ không người lái (tiếng Anh gọi là UAV hoặc drone) đã chứng minh sự hiệu quả tàn khốc qua chiến trận ở Syria, Libya, và Nagorno-Karabakh. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong lịch sử chiến tranh.
Trong một bài viết cho “Hội đồng Đối ngoại châu Âu”, tác giả Gustav Gressel cho rằng việc Azerbaijan sử dụng thành công UAV quân sự trên diện rộng trong cuộc xung đột với Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh đã mang lại nhiều bài học cho châu Âu về cách phòng thủ.
Gressel cảnh báo rằng châu Âu có thể phải trả giá nếu xem nhẹ cuộc chiến Nagorno-Karabakh, coi đây chỉ là một “cuộc chiến tranh nhỏ giữa các nước nghèo”.
Gressel đã đúng ở chỗ chỉ ra rằng thất bại quân sự mà Azerbaijan đã gây ra cho Armenia không là sự ăn may mà là minh chứng cho việc Thổ Nhĩ Kỳ (đồng minh hàng đầu của Azerbaijan) đã hoàn thiện nghệ thuật tác chiến bằng UAV. Gressel kết luận, “hầu hết các quân đội của Liên minh châu Âu cũng sẽ khổ sở như quân đội Armenia” nếu họ đối mặt với một đe dọa tương tự từ UAV.
Những gì xảy ra với quân đội Armenia trong cuộc chiến ngắn nhưng tàn khốc trong 44 ngày với Azerbaijan vượt ra ngoài khuôn khổ sự thất trận. Đáng lưu ý cách thức Armenia thua cuộc.
Những gì xảy ra trên bầu trời Nagorno-Karabakh – nơi Azerbaijan huy động một lượng lớn UAV do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất không chỉ để trinh sát và ngắm bắn các mục tiêu Armenia mà còn thống trị chiến trường, sánh ngang với một cuộc cách mạng quân sự. Sự kiện này tương tự như việc xe tăng (chiến xa thiết giáp cơ giới) và máy bay vào đầu thế kỷ 20 đã đặt dấu chấm hết cho lực lượng kỵ binh theo nghĩa đen.
Phải nói rằng không phải binh sĩ Armenia thiếu can đảm, không được huấn luyện tốt hay được trang bị tốt. Chỉ có điều họ phải tham gia một cuộc chiến mà trong đó họ bị áp đảo về công nghệ. Trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020, những người lính Armenia dù có quyết tâm và quả cảm đến đâu khi đối mặt với quân thù, kết quả dành cho họ đã được định sẵn: Họ tất yếu bị giết chết, vũ khí trang thiết bị của họ bị phá hủy. Cụ thể, phía Armenia mất 2.425 lính, 185 xe tăng T-72, 90 xe thiết giáp chiến đấu, 182 cỗ pháo, 73 bệ phóng pháo phản lực, và 26 hệ thống tên lửa đất đối không.
Loại hình chiến tranh mới
Những gì xảy ra với Armenia (chính xác là với Armenia và “Cộng hòa Artsakh” tự xưng – ND) không phải là một khoảnh khắc lịch sử đơn lẻ mà là sự khởi đầu cho một loại hình chiến tranh mới, với trọng tâm là việc sử dụng các thiết bị bay không người lái (UAV). Đồng minh của Azerbaijan - Thổ Nhĩ Kỳ, đã hoàn thiện các chiêu thức tác chiến UAV trong nhiều năm, với kinh nghiệm phong phú trong các cuộc xung đột hiện đại quy mô lớn ở Syria (từ tháng 2-3/2020) và Libya (từ tháng 5-6/2020).
Trong suốt thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng cơ hội từ việc chịu lệnh cấm vận của Mỹ và các nước khác đối với việc tiếp cận UAV quân sự do Mỹ sử dụng trên thế giới, để tự phát triển từ con số 0 nền tảng sản xuất UAV bản địa. Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một số loại UAV với các định dạng khác nhau, trong đó đặc biệt nổi bật là Bayraktar và Anka-S.
Tác chiến UAV hiện đại khi được thực hiện trên quy mô lớn là quá trình điều phối ở mức độ cao có chủ đích, tích hợp tác chiến điện tử, trinh sát, và vũ khí.
Cuộc chiến UAV do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở Syria đã được chỉ huy bởi một trung tâm chỉ huy chiến thuật nằm cách chiến trường khoảng 400km, tại thành phố Malatya ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. Những người điều khiển UAV ngồi tại chính trung tâm này. Họ cũng phụ trách tác chiến phổ điện tử tích hợp (EMS) nhằm gây nhiễu cho các radar phòng không của Syria và Nga, đồng thời thu thập tín hiệu có giá trị quân sự (bao gồm cả đàm thoại qua điện thoại di động) nhằm định vị các mục tiêu cụ thể.
Lợi thế về chi phí: Thổ Nhĩ Kỹ cứ mất 1 USD thì Syria mất tới 5 USD
Các hệ thống chính được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ở Syria là hệ thống gây nhiễu mang tên KORAL, và UAV Anka-S vận hành như một công cụ thu thập tình báo trên không. Anka-S cũng đóng vai trò của hệ thống chỉ huy và kiểm soát trên không, truyền các thông tin tình báo cho các UAV Bayraktar (đến lượt mình, UAV Bayraktar sẽ ngắm trực diện các mục tiêu rồi phóng đi các rocket không đối đất chính xác, tiêu diệt mục tiêu).
Khi tác chiến đơn độc, hệ thống UAV tích hợp này của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh hiệu quả chết người. Khi được thực hiện đồng thời với 4 hoặc 5 hệ thống khác (với mỗi hệ thống có thể ngắm nhiều mục tiêu), kết quả thật kinh khủng với đối phương. Bên bị tấn công sẽ cảm nhận như bị tấn công bởi cả bầy đàn UAV.
Nhưng cuộc chiến ở Syria còn cho thấy một nhân tố quan trọng khác, đó là sự chênh lệch chi phí giữa UAV và thiết bị quân sự bị UAV tiêu diệt.
Mỗi UAV Bayraktar hoặc Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ có giá khoảng 2,5 triệu USD. Trong toàn cuộc chiến ở tỉnh Idlib (Syria), Thổ Nhĩ Kỳ mất khoảng 6 đến 8 UAV, có giá trị tổng cộng là khoảng 20 triệu USD.
Trong khi đó, trong đêm chiến sự đầu tiên ở Syria, phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng (phía Nga không bác bỏ) họ đã phá hủy nhiều thiết bị hạng nặng thuộc về quân đội Syria, gồm 23 xe tăng và 23 khẩu pháo. Tổng cộng, UAV Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận đã tiêu diệt 34 xe tăng Syria và 36 hệ thống pháo cũng của nước này, cùng với một lượng lớn thiết bị chiến đấu khác. Nếu tính giá trung bình một xe tăng do Nga sản xuất là 1,2 triệu USD, và một khẩu pháo là 0,5 triệu USD thì tổng thiệt hại do UAV Thổ Nhĩ Kỳ gây ra lên tới khoảng 57,3 triệu USD (con số này chưa tính các thiệt hại vật chất khác của quân đội Syria, có thể cũng tương đương mức đó). Nhìn từ góc độ chi phí, tỷ lệ thiệt hại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phe Syria là 1/5.
Thổ Nhĩ Kỳ đã rút ra được các bài học từ hoạt động chiến đấu ở tỉnh Idlib và vận dụng các bài học đó vào chiến trường Libya tháng 5/2020. Tại đó, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe GNA chống lại phe LNA.
Giúp LNA giành được “nửa giang sơn” ở Libya
Phe LNA (trong nội chiến Libya) nhận được sự hậu thuẫn của vài nước, trong đó có Ai Cập, UAE, và Nga (thông qua công ty thầu quân sự tự nhân Wagner Group).
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến ở đây dựa nhiều vào tác chiến UAV tích hợp mà họ đã hoàn thiện ở Syria. Ở Libya, kết quả còn khả quan hơn nữa. Được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, lực lượng GNA đã đẩy lui lực lượng LNA, chiếm được gần nửa lãnh thổ Libya.
Cả LNA và GNA đều sử dụng rộng rãi UAV tấn công nhưng chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mang đến cách tiếp cận tích hợp đối với tác chiến UAV.
Giới quan sát đã quen thuộc với việc các UAV đơn lẻ của Mỹ hoạt động tự do ở không phận Iraq, Yemen, và Afghanistan, tung ra các đòn đánh chính xác vào các mục tiêu khủng bố. Nhưng hồi tháng 5/2020, Iran đã chứng minh được rằng các UAV này có thể gục ngã trước hệ thống phòng không hiện đại và chiến thuật UAV không tác dụng nhiều ở không phận tranh chấp.
LNA sử dụng rộng rãi các UAV chiến đấu do Trung Quốc sản xuất và được phi công UAE điều khiển từ xa, và họ đã giành được thành công lớn trước khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào cuộc, LNA không thể thực hiện tấn công bằng UAV do năng lực tác chiến điện tử và phòng không tích hợp của họ. LNA cũng không thể chống trả được các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả, trận chiến trên bộ nghiêng hẳn về phe GNA. Mức chênh lệch về chi phí giữa GNA và LNA lớn hơn mức 1 USD-5 USD ở Syria.
Cuộc đua UAV của các ông lớn Mỹ, Nga, và Trung Quốc
Vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Azerbaijan để đối phó với Armenia vào tháng 9/2020, trình độ tác chiến UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến đỉnh cao và chiến thắng của phe Azerbaijan gần như được bảo đảm ở Nagorno-Karabakh.
Một trong những bài học lớn từ kinh nghiệm UAV của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Libya, và Nagnorno-Karabakh là đối thủ của họ không phải là những “nước nghèo”. Vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với các đội quân được huấn luyện và trang bị tốt gần như tương đương quân đội của các nước châu Âu nhỏ và vừa. Trong cả 3 xung đột, vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đã đối đầu với các hệ thống tên lửa phòng không thuộc diện hiện đại nhất của Nga.
Và việc triển khai hàng loạt UAV đang là xu hướng. Lục quân Mỹ đang phát triển cái họ gọi là “Bầy UAV vũ trang tự động hoàn toàn” (gọi tắt là AFADS). Khi được triển khai, hệ thống này sẽ “tự động định vị, nhận diện, và tấn công mục tiêu bằng đạn thông minh”, trong đó một bầy UAV nhỏ sẽ tỏa ra khắp chiến trường để định vị và tiêu diệt mục tiêu.
Trung Quốc cũng thử nghiệm một hệ thống tương tự sử dụng tới 200 UAV cảm tử, được thiết kế để tràn ngập chiến trường và tiêu diệt mục tiêu bằng cách lao thẳng vào đó.
Vào tháng 9/2020, quân đội Nga đã lần đầu tiên tích hợp năng lực “bầy đàn UAV” vào một cuộc tập trận quy mô lớn.
Bộ mặt của chiến tranh hiện đại đã thay đổi mãi mãi. Những quốc gia nào chưa được chuẩn bị cho trận chiến với sự tham gia đầy đủ của UAV trên mọi khía cạnh thì sẽ có nguy cơ đối diện với những hậu quả mà Armenia từng hứng chịu trên thực địa: Tổn thất nghiêm trọng về người và thiết bị, hứng chịu thất bại quân sự, và mất đất./.