Hỗn loạn và ly tán
Một tuần sau khi Taliban chiếm được Kabul, tình hình ở sân bay thủ đô của Afghanistan ngày càng trở nên tuyệt vọng với hơn 20.000 người ở trong và xung quanh địa điểm này đang cố gắng để lên các chuyến bay, trong khi đã có 7 người Afghanistan đã bị đè đến chết trong đám đông.
Sân bay ở thủ đô Kabul đã trở thành tâm điểm hỗn loạn khi hàng vạn người tuyệt vọng muốn chạy trốn khỏi Afghanistan, trong đó có các nhân viên quốc tế, các thông dịch viên Afghanistan và những người phụ nữ của đất nước này hiện đang gặp nguy hiểm dưới thời Taliban.
Sáng 22/8, số người ở sân bay chờ lên các chuyến bay đã tăng lên 18.500 người, trong khi 2.000 người khác ở các cổng đang chờ để được vào trong, một nguồn thạo tin nhận định với CNN.
Một lý do cho sự hỗn loạn này là quyết định ban hành visa điện tử cho những người nộp đơn xin visa nhập cảnh đặc biệt. Những visa này sau đó sẽ được sao chép lại dưới dạng ảnh chụp màn hình và được gửi tới hàng nghìn người Afghanistan không thể tới sân bay, nguồn tin trên cho hay.
Tình hình ngày càng tồi tệ hơn ngày 22/8, các cổng dẫn vào sân bay ở hầu hết các khu vực đều bị đóng trong khi các gia đình bị chia cắt và được đưa tới các quốc gia khác nhau trong hỗn loạn.
"Không biết họ đang làm gì nhưng vẫn có một số nhân viên địa phương chật vật ở các cổng này mà không thể vào trong", một nguồn tin nhận định với CNN khi nhắc đến những nhân viên Afghanistan làm việc cho Mỹ.
Các gia đình đã bị chia cắt và được đưa tới những quốc gia khác nhau, nguồn tin trên cho biết.
"Có những trường hợp cha, mẹ và con cái mỗi người đến một quốc gia khác nhau".
Trong khi đó, cuộc sơ tán khổng lồ vẫn tiếp diễn.
Bên trong sân bay ngày 22/8, CNN ghi nhận một số máy bay quân sự C-17 đang sẵn sàng cất cánh với lực lượng quân đội lớn hiện diện gần đó.
Bên ngoài sân bay là quang cảnh không thể tưởng tượng nổi. Hàng nghìn người tiếp tục tập trung xung quanh sân bay. Trong số những hình ảnh ám ảnh về các gia đình đứng quanh các bức tường sân bay tuần qua, một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy một em bé Afghanistan được một người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đón và đưa qua tường rào dây thép gai khi cha của bé đề nghị các binh sỹ Mỹ chăm sóc
Em bé sau đó đã được điều trị tại một bệnh viện Na Uy ở sân bay và sau đó đã được đưa về với gia đình, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm 20/8.
Tuyệt vọng chạy trốn
Khu vực trong và quanh sân bay Kabul ngày càng nguy hiểm với gần 20 người được cho là đã chết trong đám đông hỗn loạn hoặc bị trúng đạn trong tuần qua.
7 người dân Afghanistan đã thiệt mạng trong đám đông hỗn loạn ở sân bay Kabul ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh nhận định với CNN.
"Các điều kiện trên thực tế vẫn vô cùng thách thức nhưng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giải quyết tình hình một cách an toàn và an ninh", người phát ngôn này cho hay.
Đầu tuần trước, Reuters đưa tin 12 người đã thiệt mạng trong và quanh sân bay ở Kabul khi Taliban chiếm được thủ đô này ngày 15/8.
Giữa bối cảnh tình hình ngày càng tồi tệ, 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội đang nỗ lực thiết lập các "tuyến đường thay thế" và các cổng vào cho những người tới sân bay Kabul. Một quan chức cho biết sẽ có những tuyến đường mới cho người dân Mỹ, các công dân của những nước thứ ba và các công dân Afghanistan đủ điều kiện.
Lầu Năm Góc đang theo dõi tình hình ở sân bay và đánh giá, các đám đông ngày càng tăng ở sân bay có thể trở thành mục tiêu cho nhóm khủng bố ISIS-K và các tổ chức khủng bố khác, các lực lượng có thể sử dụng bom xe hoặc đánh bom liều chết để tấn công.
Một trong những cuộc không vận lớn nhất lịch sử
Sân bay Kabul là một trong một vài cách thức thoát khỏi Afghanistan. Mỹ đang thực hiện "một trong những cuộc không vận lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ngày 20/8, đồng thời thừa nhận rằng, bất chấp sự hiện diện của hàng nghìn quân đội Mỹ tại sân bay Kabul, tình hình vẫn rất nguy hiểm.
Ít nhất 38.000 người, trong đó có người nước ngoài và người dân Afghanistan đã được sơ tán khỏi nước này kể từ khi Taliban tiến vào Kabul, dữ liệu từ CNN cho biết.
Một nhà báo may mắn trốn thoát trên một chuyến bay của Qatar chia sẻ với CNN rằng ông không biết liệu mình nên cảm thấy hạnh phúc hay đau khổ.
Nhà báo này từng chạy khỏi đất nước này một lần trước đó vào thời điểm Taliban từng nắm quyền lực. Giờ đây, ông lại một lần nữa để lại gia đình và bạn bè, cũng như không biết bao giờ hoặc liệu có còn quay lại Afghanistan nữa hay không.
Đến nay, Mỹ đã sơ tán 17.000 người kể từ 14/8, một ngày trước khi Kabul rơi vào tay Taliban. Trong số 17.000 người, 2.500 người là công dân Mỹ, Tướng Hank Taylor thuộc quân đội Mỹ cho hay.
Ngoài ra, quân đội Anh cũng đã sơ tán gần 4.000 người kể từ 13/8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết ngày 22/8.
Các quốc gia khác như Canada, Italy, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia cũng đang tiến hành sơ tán công dân.
Tại Căn cứ Không quân Mỹ Ramstein ở tây nam nước Đức, cứ 90 phút lại có một chuyến bay sơ tán đến nơi. Với sức chứa 5.000 người, một trong những căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại châu Âu nhanh chóng được lấp đầy bởi những người tạm dừng chân ở đây trước khi tiếp tục hành trình tới Mỹ.
Quân đội Mỹ hy vọng sẽ sơ tán được 5.000 - 9.000 người/ngày nhưng cho đến nay mục tiêu này vẫn chưa đáp ứng được. Mỹ cũng đối mặt với thách thức khổng lồ trước hạn chót 31/8 để rời khỏi Afghanistan trong khi Tổng thống Biden nhận định nước này có lẽ phải mở rộng thời hạn trên nếu chưa sơ tán được tất cả công dân Mỹ./.